November 16, 2015 | 17:53 GMT+7

Đang nghiên cứu “biện pháp pháp lý” về vấn đề biển Đông

Nguyên Vũ

Bộ Ngoại giao trả lời những kiến nghị của cử tri liên quan đến bảo vệ chủ quyền biển đảo

Hoạt động xây đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành ở biển Đông đã bị chỉ trích mạnh mẽ - Ảnh: EPA.
Hoạt động xây đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành ở biển Đông đã bị chỉ trích mạnh mẽ - Ảnh: EPA.
“Biện pháp pháp lý là biện pháp hòa bình, văn minh, tiến bộ, đã được ghi nhận trong Hiến chương Liên hiệp quốc”, Bộ Ngoại giao trả lời cử tri câu hỏi vì sao chưa khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, liên quan đến vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo trên biển Đông.

“Hiện nay, các bộ, ngành liên quan của ta đang nghiên cứu kỹ lưỡng và tích cực chuẩn bị để trình lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ xem xét, cân nhắc giải pháp này”, Bộ Ngoại giao cho biết.

Tồn tại lớn nhất là biển Đông

Hồi âm các kiến nghị của cử tri - được Ban Dân nguyện của Quốc hội tập hợp và gửi tới nhiều các bộ, ngành, cơ quan - Bộ Ngoại giao khẳng định, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn kiên trì đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế.

Chủ trương đối ngoại của Việt Nam là phát triển quan hệ với các nước để tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định phục vụ cho phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia.

Văn bản trả lời cũng nêu rõ, Trung Quốc là nước lớn, láng giềng quan trọng của Việt Nam. Việt Nam coi trọng việc duy trì và phát triển ổn định, bền vững quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi bên.

“Từ sau khi bình thường hóa đến nay, quan hệ Việt - Trung về tổng thể là phát triển ổn định trên nhiều lĩnh vực, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hai nước và nhân dân hai nước. Hai bên đã giải quyết được hai trong ba vấn đề lớn về biên giới lãnh thổ là vấn đề biên giới trên đất liền và phân định vịnh Bắc Bộ. Hiện nay, tồn tại lớn nhất trong quan hệ hai nước là vấn đề biển Đông”, Bộ Ngoại giao trả lời.

Công văn trả lời cũng nhấn mạnh, tuy vấn đề này không phải là toàn bộ trong quan hệ hai nước, nhưng là vấn đề hết sức hệ trọng liên quan đến chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đây cũng là vấn đề liên quan đến nhiều vấn đề chính trị, an ninh, quốc phòng của Việt Nam, cũng là vấn đề hết sức phức tạp, liên quan đến quan hệ của nước ta với các nước trong khu vực và nước lớn; nếu không được xử lý thỏa đáng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ hợp tác giữa ta và các nước, đến môi trường hòa bình, ổn định phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ Ngoại giao khẳng định, đối với những hành động sai trái của phía Trung Quốc, Việt Nam luôn kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế nhằm tiếp tục phát triển quan hệ với Trung Quốc và bảo đảm được chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

Trong quá trình giải quyết vấn đề trên biển, Việt Nam đã tích cực, chủ động duy trì các mối quan hệ với Trung Quốc thông qua trao đổi các đoàn cấp cao, các đoàn của các bộ, ngành, địa phương; tiếp tục duy trì các quan hệ về kinh tế, thương mại với Trung Quốc.

“Vì vậy, một mặt chúng ta vẫn đảm bảo tiếp tục phát triển quan hệ nhiều mặt với Trung Quốc, mặt khác ta kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia”, văn bản trả lời nêu rõ.

Đấu tranh quyết liệt hơn

Vẫn trong kiến nghị gửi đến Bộ Ngoại giao, cử tri Bạc Liêu, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội, Phú Yên, Tp.HCM… tiếp tục bày tỏ thái độ bức xúc đối với những vi phạm của Trung Quốc ở biển Đông, đặc biệt là hành động xây dựng đảo nhân tạo tại một số điểm thuộc quần đảo Trường sa và Hoàng Sa của Việt Nam, ngang nhiên đánh bắt cá trên vùng biển Việt Nam, tấn công các tàu của ngư dân Việt Nam.

Các ví dụ được cử tri đề cập như việc mở đường băng giữa hai đảo Phú Lâm và Chữ Thập thuộc chủ quyền của Việt Nam và có khả năng thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông.

Cử tri đề nghị có các giải pháp đấu tranh khả thi, quyết liệt hơn, rõ ràng hơn để giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè, dư luận quốc tế trong việc đối phó với các hành động nêu trên của Trung Quốc.

Mong muốn được cử tri bày tỏ là Bộ Ngoại giao sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, thận trọng hơn trong các chính sách đối ngoại, cân nhắc khi hợp tác, ứng xử đối với một số nước bạn, đặc biệt là Trung Quốc.

Tại văn bản hồi âm, Bộ Ngoại giao xác nhận việc từ tháng 9/2014 đến nay, Trung Quốc ráo riết triển khai các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng quy mô lớn trên các cấu trúc mà Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp tại Trường Sa.

Trước những hành động này, với Trung Quốc, Việt Nam khẳng định lập trường, quan điểm một cách liên tục, thường xuyên, thông qua nhiều kênh đối thoại với Trung Quốc, kể cả ở cấp cao và các diễn đàn đàm phán về biên giới, lãnh thổ giữa hai bên, thông qua công hàm của Bộ Ngoại giao cũng như trao đổi trực tiếp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội.

Từ đầu năm 2015 đến nay, Bộ Ngoại giao đã có 22 lần tiếp xúc, trao đổi với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, trong đó có 7 lần giao thiệp và trao 9 công hàm phản đối việc làm của Trung Quốc tại biển Đông, văn bản trả lời cho biết cụ thể.

Về câu hỏi vì sao chưa khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, Bộ Ngoại giao cho biết, chủ trương nhất quán của Việt Nam trong vấn đề biển Đông là kiên trì thông qua các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp, trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS, vận dụng tổng hợp các biện pháp đấu tranh, chủ yếu bằng chính trị, ngoại giao và coi trọng đấu tranh pháp lý.

“Biện pháp pháp lý là biện pháp hòa bình, văn minh, tiến bộ, đã được ghi nhận trong Hiến chương Liên hiệp quốc. Hiện nay, các bộ, ngành liên quan của ta đang nghiên cứu kỹ lưỡng và tích cực chuẩn bị để trình lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ xem xét, cân nhắc giải pháp này”, văn bản trả lời nêu rõ.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate