October 21, 2024 | 11:37 GMT+7

Đằng sau việc nhiều hãng hàng không giảm chuyến bay tới Trung Quốc

Ngọc Trang -

Việc các hãng hàng không quốc tế giảm số lượng chuyến bay cho thấy nhu cầu đi lại công tác tới Trung Quốc sụt giảm trong bối cảnh kinh tế ảm đạm tại quốc gia châu Á...

Một máy bay C919 của COMAC (Commercial Aircraft Corporation of China - Ảnh: Bloomberg.
Một máy bay C919 của COMAC (Commercial Aircraft Corporation of China - Ảnh: Bloomberg.

Trong tháng 10, nhiều hãng bay quốc tế dự kiến sẽ giảm số lượng chuyến bay tới Trung Quốc.

Theo nguồn tin của tờ SCMP, hãng bay Virgin Atlantic của Anh dự định sẽ dừng đường bay Thượng Hải – London từ ngày 25/10 sau 25 năm khai thác. Cùng ngày, hãng British Airways của Anh cũng dự định dừng đường bay London – Bắc Kinh của mình. Còn hãng hàng không Scandinavian Airlines của Thụy Điển sẽ khai thác chuyến bay cuối cùng trên chặng Copenhagen – Thượng Hải vào ngày 7/11.

Trong khi đó, từ cuối tháng 7, hãng Qantas Airways của Australia đã dừng đường bay Sydney – thượng Hải. Hãng Lufthansa của Đức tháng trước cho biết đang cân nhắc dừng chặng bay Frankfurt – Bắc Kinh.

Tại Mỹ, hãng hàng không Delta Air Lines đã tạm hoãn kế hoạch nối lại đường bay Thượng Hải – Los Angeles, theo thông tin từ nhà phân tích hàng không Li Hanming sống tại Quảng Châu (Trung Quốc). Tuần trước, người phát ngôn của Delta Air Lines cho biết hãng sẽ nối lại chặng bay này vào tháng 6 năm sau.

Thông thường, các hãng hàng không thường thực hiện điều chỉnh đường bay vào tháng 10 và tháng 3 hàng năm.

Theo các nhà phân tích, xu hướng cắt giảm đường bay tới Trung Quốc trên một phần bắt nguồn từ sự cạnh tranh của các hãng bay nội địa. Bởi lẽ, trong khi các hãng hàng không phương Tây phải tránh bay qua không phận của Nga do cấm vận liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine, các hãng bay Trung Quốc hiện vẫn bay qua không phận này, nhờ đó tiết kiệm được 2-3 giờ bay và hàng chục nghìn USD mỗi chuyến.

“Các hãng hàng không Trung Quốc, hiện vẫn sử dụng không phận của Nga, có giá vé rẻ hơn và nhiều lựa chọn chuyến bay hơn, đặc biệt là từ các thành phố nhỏ hơn của Trung Quốc – những chặng mà các hãng nước ngoài không khai thác”, ông Dennis Lau, giám đốc dịch vụ tư vấn tại công ty dịch vụ hàng không Asian Sky Group (Hồng Kông), phân tích. “Các hãng bay Mỹ và châu Âu có thể khai thác tàu bay hiệu quả hơn trên các chặng mang lại lợi nhuận cao hơn như chặng xuyên Đại Tây Dương”.

Cũng theo ông Lau, ngoài cạnh tranh từ các hãng bay nội địa, các hãng hàng không phương Tây cũng phải đối mặt cạnh tranh từ nhiều đối thủ khác đang khai thác đường bay trực tiếp ra vào Trung Quốc đại lục với giá rẻ hơn nhờ quá cảnh qua những thành phố như Hồng Kông, Seoul và Singapore.

Theo thống kê từ công ty dữ liệu hàng không Anh OAG, dự kiến có tổng cộng 393 chuyến bay trực tiếp giữa Trung Quốc và Mỹ trong tháng này, giảm 27,3% so với tháng 10/2019 – thời điểm trước đại dịch Covid-19.

Các nhà phân tích lưu ý rằng tình hình kinh tế ảm đạm tại Trung Quốc cũng là một trong những mối lo ngại của các hãng hàng không.

“Số lượng chuyến bay của các hãng phương Tây ra vào Trung Quốc phản ánh nhu cầu đi lại công tác. Điều này cho thấy sự suy yếu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng như xu hướng sụt giảm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước này vẫn chưa phục hồi”, ông David Bach, chủ tịch Viện Phát triển Quản trị Quốc tế (Thụy Sỹ), nhận xét. “Nhu cầu công tác thường xuyên tại Trung Quốc của lãnh đạo các doanh nghiệp phương Tây không còn nhiều như trước”.

Theo dữ liệu mới công bố thứ Sáu tuần trước, tăng trưởng GDP quý 3 của Trung Quốc chỉ đạt 4,6%, giảm từ mức 4,7% của quý trước. Còn theo dữ liệu công bố hồi tháng 8 của công ty con về du lịch công tác của Trip.com Group, thị trường du lịch công tác của Trung Quốc tăng trưởng 39,2% trong năm 2023 và dự báo trở về mức trước đại dịch trong năm nay. Tuy nhiên, trong quý 2, các chuỗi khách sạn quốc tế lớn tại Trung Quốc lại ghi nhận doanh thu phòng sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Ví dụ, chuỗi khách sạn Wyndham ghi nhận doanh thu trên mỗi phòng giảm 17%, còn IHG Hotels & Resorts chứng kiến mức giảm 7%.

“Khi hoạt động đi lại công tác sụt giảm, các hãng hàng không sẽ bị ảnh hưởng”, ông Yan Liang, nhà kinh tế tại Đại học Willamette, bang Oregon (Mỹ), nhận xét. “Dự báo nhiều doanh nghiệp phương Tây sẽ chưa trở lại Trung Quốc trong ngắn hạn thời gian tới”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate