Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang bắt đầu phối hợp với các bộ, ngành xây dựng đề án tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam.
Ngày 14/3, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho biết, ngoài việc phản ánh thực trạng nền kinh tế Việt Nam, dự báo những xu hướng và cảnh báo, đề án mang tên “Tái cấu trúc nền kinh tế trong điều kiện nền kinh tế thế giới suy giảm” sẽ đề xuất các giải pháp nhằm tái cấu trúc nền kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“Dự kiến đề án này sẽ được hoàn thiện cơ bản vào ngày 20/3 và có thể trình lên Chính phủ vào cuối tháng 3”, ông Sinh cho biết.
Nội dung chính của đề án sẽ tập trung vào các vấn đề như đánh giá, phân loại doanh nghiệp theo chủ sở hữu, theo mức độ đóng góp vào nền kinh tế, các cơ cấu và khả năng cạnh tranh, quá trình hình thành, đào thải của doanh nghiệp và sản phẩm, các vấn đề về tác động vốn đầu tư nước ngoài trong cơ cấu nền kinh tế... Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao cho các đơn vị trong ngành để nghiên cứu từng vấn đề nêu trên.
“Nhìn chung đề án sẽ bao gồm khá nhiều mảng, lĩnh vực, vấn đề cần tái cấu trúc và tôi cho rằng đây là thời điểm đúng để làm việc này”, ông Sinh nói.
Đây là một kế hoạch kịp thời, bởi theo các nhà phân tích, khủng hoảng và tái cơ cấu nền kinh tế là vấn đề được nhắc đến nhiều trong thời gian Việt Nam bắt đầu gặp khó khăn do lạm phát trong nước trước khi chịu tác động của suy thoái kinh tế thế giới.
Dù Việt Nam đã nhanh chóng triển khai các gói giải pháp kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhưng hiệu quả đạt được còn khá hạn chế.
“Các gói kích cầu của Chính phủ đưa ra nhìn chung chưa có tác động thật nhanh, thực hiện chậm trễ do nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề nhận thức và lợi ích rất khác nhau”, ông Nguyễn Quang Thái, Phó chủ tịch Hội Kinh tế Việt Nam nhận xét.
Theo một số đánh giá gần đây của các nhà nghiên cứu, tình hình kinh tế Việt Nam đã bắt đầu có một vài tín hiệu “lành” hơn. Tỷ lệ lạm phát đã tiếp tục được kiềm chế giảm, vốn FDI đăng ký tăng mạnh trong hai tháng đầu năm 2009, đạt 5,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường TNS, sức mua của người Việt Nam đang giảm trong khi giá cả lại tăng đến 23%. Với một nền kinh tế dựa chủ yếu vào sức cầu nội địa và xuất khẩu thì việc nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm đang là một thách thức không nhỏ.
Theo đánh giá mới nhất của Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Strauss-Kahn, từ tháng 1/2009 đến nay, kinh tế thế giới diễn biến theo chiều hướng ngày càng xấu đi.
“Bây giờ có thể nói chúng ta đã rơi vào đại suy thoái. Suy thoái có thể kéo dài đến chừng nào các chính sách mà chúng ta mong đợi sẽ phát huy tác dụng”, ông Strauss-Kahn nói.
Trước đó, ngày 8/3, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng âm trong năm nay.
Với nguyên lý “cơ hội trong khủng hoảng”, các nhà phân tích cho rằng đây là thời điểm tốt để Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, chuẩn bị những tiền đề tốt hơn cho thời kỳ hậu suy thoái và phục hồi.
“Trong ngắn hạn, kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn thách thức nhưng triển vọng trung và dài hạn là khá tốt”, ông Justin Wood, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Economist Corporate Network nhận xét với chúng tôi trước thềm hội nghị quốc tế về kinh tế đối ngoại với Chính phủ Việt Nam, sẽ diễn ra vào ngày 17-18/3/2009.
“Cải thiện chất lượng giáo dục - đào tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, ngăn ngừa tham nhũng và cải cách các doanh nghiệp nhà nước là những vấn đề cần ưu tiên hàng đầu cho Việt Nam lúc này”, ông Justin Wood cho biết thêm.
Đó cũng là những điểm chính trong đề án “tái cấu trúc” nói trên mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì soạn thảo.
“Bộ sẽ cùng phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương cũng như tham khảo ý kiến các nhà khoa học trong cả nước cùng làm việc để xây dựng đề án trình lên Chính phủ sớm nhất”, ông Sinh khẳng định.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate