Ngày 6/11, ứng viên Đảng Cộng hòa - Donald Trump đã giành chiến thắng áp đảo trước đối thủ Đảng Dân chủ Kamala Harris để chính thức trở thành tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ. Các đề xuất chính sách của ông Trump được đánh giá mạnh tay hơn, mang tính bảo hộ cao hơn. Đó là trục xuất người nhập cư bất hợp pháp, áp thuế nhập khẩu ở mức cao và giảm thuế cho doanh nghiệp, người dân trong nước…
Chính sách tài khóa mở rộng như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và áp thuế đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu đặc biệt áp thuế cao đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc – một trong những quốc gia nhập khẩu chính của Hoa Kỳ, chiếm khoảng 15% kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ năm 2023, thúc đẩy nền kinh tế đồng thời khiến cho lạm phát kỳ vọng tăng lên, gián tiếp gây sức ép lên FED duy trì lãi suất ở mức cao, và tạo ra sức mạnh của đồng Đô-la Mỹ lớn hơn tương đối so với các đồng tiền còn lại.
Nhận định về tác động các chính sách của ông Trump lên Việt Nam, theo Chứng khoán BSC, về thương mại sẽ có những ảnh hưởng tích cực. Trong trường hợp căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc gia tăng, Việt Nam có thể được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Mặc dù vậy, thương mại Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu của ông Donald Trump.
Đối với chính sách tiền tệ trong nước, chính sách tài khóa mở rộng của ông Trump cùng với áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu khiến lạm phát kỳ vọng tăng lên, từ đó có thể dẫn tới lãi suất và giá trị đồng USD tăng. Điều này sẽ tạo ra áp lực đối với tỷ giá của đồng USD với các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Theo BSC, hầu hết các ngành nghề đều có ảnh hưởng trung bình. Với nhóm điện, các nhà máy điện than, điện khí được hưởng lợi gián tiếp nhờ giá dầu có xu hướng giảm. EVN sẽ tiết giảm được phần lớn chi phí nhiên liệu từ đó cải thiện tài chính và giảm dư nợ phải trả với các công ty sản xuất điện.
Tổng thống Trump ủng hộ việc tăng khai thác sản lượng năng lượng hóa thạch tại Mỹ, kỳ vọng làm tăng nguồn cung dầu khí khiến giá dầu giảm. Các doanh nghiệp Dầu khí niêm yết trên sàn chịu ảnh hưởng gián tiếp bởi giá dầu thấp khiến cho nhu cầu khoan, thăm dò và khai thác sụt giảm.
Với nhóm xuất khẩu như Dệt may, hiện tại, cơ bản các mặt hàng dệt may, giầy dép xuất khẩu đang chịu mức thuế nhập khẩu trung bình vào Mỹ ở khoảng 4% - 8%. Trong nhiệm kỳ lần thứ 2 của ông Trump, BSC cho rằng mức thuế xuất trên sẽ được duy trì hoặc tiếp tục tăng trong bối cảnh chênh lệch thương mại Việt - Mỹ ngày càng lớn. Điều này sẽ phần nào làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam so với các đối thủ có giá thành thấp như Ấn Độ, Bangladesh, Ai Cập,...
Tuy nhiên, với lợi thế tay nghề cao, làm được hàng khó, hàng giá trị gia tăng cao cùng với việc đáp ứng các tiêu chuẩn ESG, tình hình chính trị ổn định vẫn là điểm hút lượng đơn về cho các doanh nghiệp may mặc Việt Nam đặc biệt trong bối cảnh xu hướng Trung Quốc +1 được kỳ vọng gia tăng mạnh.
Nhóm thủy sản, cá tra là một trong những số ít mặt hàng hiện đang chịu mức thuế xuất 0% đối với cả 3 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra chính của Việt Nam (VHC, ANV, IDI). BSC cho rằng mức thuế này sẽ được duy trì trong nhiệm kỳ tới của ông Trump, khi cơ bản cá tra xuất khẩu Việt Nam được cho là không bán phá giá tại thị trường Mỹ. Lưu ý trong nhiệm kỳ trước của ông Trump VHC vẫn được giữ mức thuế 0% nhờ không bán phá giá, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, quy trình điều tra, kiểm tra chống bán giá của Mỹ sẽ gắt gao hơn so với chu kỳ trước.
Xuất khẩu gỗ đá chủ yếu chịu các loại thuế chống lẩn tránh để phòng lượng hàng từ Trung Quốc đẩy sang các nước khác rồi tái xuất lại Mỹ. BSC cho rằng đối với các doanh nghiệp Việt Nam như PTB, VCS sẽ nhìn chung không bị ảnh hưởng nhiều khi cơ bản doanh nghiệp hoàn toàn có thể chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm của mình.
Theo kết luận của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vào tháng 5 năm 2021, các doanh nghiệp xuất khẩu lốp xe từ Việt Nam sang Hoa Kỳ chịu mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp: 6.23% - 7.89%. Mức thuế này được áp dụng đối với 03 doanh nghiệp săm lốp FDI trong khi đó DRC và CSM không chịu mức thuế này. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam như DRC, CSM có thể chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm của mình nên có thể hạn chế được tác động của các cuộc điều tra CBPG.
Với nhóm khu công nghiệp, xu hướng Trung Quốc +1 vẫn diễn ra trong thời gian tới. Bên cạnh đó, giá điện rẻ, đi kèm với việc tình trạng thiếu điện đã được giải quyết. Tuy nhiên, Việt Nam đang có thách thức như chi phí nhân công tăng, giá cho thuê không còn cạnh tranh, chưa có cơ chế thu hút sau khi áp thuế tổi thiểu toàn cầu.
BSC cho rằng tác động lên nhóm công nghệ thông tin Việt Nam sẽ là không nhiều và không có sự thay đổi so với nhiệm kỳ của ông Biden, hay nhiệm kỳ trước đó của ông Trump. Các doanh nghiệp Việt Nam khi muốn nhập khẩu chip bán dẫn từ Mỹ sẽ vẫn phải trải qua nhiều thủ tục giấy tờ cũng như các quy trình kiểm tra nghiêm ngặt do phía Mỹ quan ngại Trung Quốc đem data sang Việt Nam rồi xuất ngược trở lại.
Trong khi đó, ngành thép Việt Nam sẽ bị ảnh hướng tiêu cực khi Mỹ đã bắt đầu điều tra nguồn gốc xuất xứ và áp thuế đối với các thép nhập khẩu từ các quốc gia lân cận như Mexico, Canada. Thông thường thép Trung Quốc đi qua Việt Nam để xuất khẩu sang các thị trường lân cận như Mexico, Canada, từ đó gián tiếp vào thị trường Mỹ.