“Trong điều hành kinh tế xã hội năm 2017, nếu không tăng trữ lượng khai thác dầu so với dự toán năm 2016, giá dầu không tăng thì liệu có đạt được tăng trưởng GDP 6,81% không?”, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đặt câu hỏi tại phiên thảo luận sáng 26/5 của Quốc hội.
Đây là buổi thảo luận cuối trong một ngày rưỡi Quốc hội xem xét tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách.
Ngay từ phiên đầu tiên, một số đại biểu đã tranh luận với quan điểm trái chiều về vấn đề: tăng trưởng kinh tế có đang phụ thuộc vào dầu khí và than hay không?
Trở lại vấn đề này, đại biểu Hồng cho rằng, việc báo cáo của Uỷ ban kinh tế đánh giá mô hình tăng trưởng chưa rõ nét, chủ yếu dựa vào khai thác dầu khí, than, kiều hối và đóng góp từ vốn đầu tư, xuất khẩu nước ngoài là “chính xác”.
“Giờ này năm ngoái khi Samsung gặp lỗi kỹ thuật về pin, tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu bất ổn, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép tăng trữ lượng khai thác. Nên tôi cho rằng Chính phủ luôn lựa chọn giải pháp đó trong những trường hợp như thế này”, đại biểu tỉnh Bình Dương nói.
Theo đại biểu Hồng thì trong nghị quyết kinh tế - xã hội tại kỳ họp cũng cần có đánh giá về những nội dung nêu trên.
Vẫn theo đại biểu Hồng, việc xem xét báo cáo của Chính phủ là một hoạt động giám sát mà hoạt động giám sát thì phải tăng cường tính tranh luận, phản biện.
“Tất nhiên thành tích là cần thiết. Nhưng cũng phải đánh giá được việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội như thế nào. Hơn thế, phải nêu ra được nguyên nhân và đặc biệt là trách nhiệm”, ông Hồng nói.
Vị đại biểu này cũng nói: "Tôi không hài lòng về việc một số thành viên Chính phủ báo cáo trước Quốc hội những nội dung đã được báo cáo trong báo cáo của Chính phủ".
Và thực tế nhiều thành viên Chính phủ khi báo cáo đã cố, không biết là đã làm ảnh hưởng đến quyền phát biểu của các đại biểu khác do hết giờ, ông Hồng nhận xét và đề nghị Chính phủ cần tăng cường tranh luận, phản biện tại các phiên họp như thế này.
Chuyển sang nội dung khác về việc thực hiện nghị quyết Trung ương 6 là xây dựng thể chế đổi mới sắp xếp bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả, đại biểu Hồng đề cập, trong kỳ họp này, Chính phủ đang trình Quốc hội dự Luật Công an Nhân dân.
Qua nghiên cứu dự thảo dự luật, Bộ Công an là đơn vị đầu tiên và duy nhất đến nay trình Bộ Chính trị ban hành nghị quyết chuyên đề về tổ chức bộ máy. Như đánh giá của một số đồng chí trong Uỷ ban thường vụ Quốc hội, đây là cuộc cách mạng về mặt tổ chức của Bộ Công an. Xoá bỏ Tổng cục, thu gọn các cấp trung gian, đầu mối...”, ông nói.
“Đây là yêu cầu cấp bách trong việc tổ chức bộ máy của Chính phủ, của hệ thống chính trị và nếu Bộ Công an có thành công hay không thì phải là sự đồng bộ của cả hệ thống. Đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo thêm trước Quốc hội về vấn đề này. Đề nghị Chính phủ báo cáo vào cuối kỳ họp chuyên sâu về chuyên đề này”, đại biểu Hồng phát biểu.