"Khi lao động thất nghiệp giảm, có nghĩa là cơ hội việc làm lớn và ngược
lại, đâu cần quan tâm một năm anh cần tạo bao nhiêu việc làm mới", nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội Nguyễn Hữu Dũng nói với VnEconomy.
Có ý kiến cho rằng, mục tiêu tạo việc làm mới mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hàng năm rất cao, nếu năm nào mục tiêu này cũng hoàn thành thì đến nay mình đã phải nhập khẩu lao động, ông nghĩ sao?
Đấy là chỉ tiêu gây nhiều tranh cãi từ trước đến nay, ví dụ năm 2009, mục tiêu đặt ra là tạo 1,7 triệu việc làm mới, năm nay mục tiêu này cũng gần 1,6 triệu.
Số việc làm được tạo mới từ trước đến nay được tính trên hệ số co giãn việc làm trong GDP. Ví dụ, GDP năm nay là 9%, hệ số co giãn việc làm 0,3%, vậy cứ 1% tăng GDP thì tạo được 0,34% việc làm mới, đem nhân với lực lượng lao động sẽ ra 1 % GDP tạo được bao nhiêu việc làm mới cho lao động.
Khi GDP đi xuống thì việc làm sẽ bị giảm. Tuy nhiên, ở Việt Nam chúng ta còn phải tính đến cả chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, suất đầu tư cho một việc làm là bao nhiêu và hàng năm giải ngân được bao nhiêu, cộng cả số lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Vì thế, cách tính này cũng chỉ tương đối mà thôi. Các con số ở Việt Nam trừ trước đến nay vẫn còn mang nặng hình thức, mang tính chất báo cáo là chính.
Hàng năm, chúng ta vẫn công bố về tỷ lệ lao động thất nghiệp trong độ tuổi ở khu vực thành thị mà ít nhắc đến con số cụ thể về lao động thất nghiệp nói chung trên cả nước?
Thực tế hàng năm chúng ta đều có điều tra về thị trường lao động, để biết lực lượng lao động bao nhiêu, lao động có việc làm bao nhiêu, thất nghiệp bao nhiêu và thiếu việc là bao nhiêu…
Nhiệm vụ này trước đây của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bây giờ Tổng cục Thống kê đảm nhận. Cách tính này được áp dụng theo kiểu điều tra theo mẫu của 110 nghìn hộ, từ đó suy rộng ra, chứ không phải là con số thống kê từ dưới lên.
Khi công bố, Bộ chỉ công bố tỷ lệ thất nghiệp là bao nhiêu % trong độ tuổi ở khu vực thành thị vì thất nghiệp chỉ xảy ra ở khu vực thành thị, nơi dễ và có điều kiện quản lí hơn, không xảy ra ở vùng nông thôn rộng lớn. Ở nông thôn không có lao động thất nghiệp mà chỉ là thiếu việc làm.
Vì thế, khi công bố tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị, chúng ta cũng dễ dàng tính được số lao động thất nghiệp cụ thể nói chung, lấy lực lượng lao động trong độ tuổi nhân với tỷ lệ thất nghiệp sẽ ra thôi.
Để đánh giá về tình hình lao động và việc làm trong nền kinh tế, chúng ta cần biết thêm một tiêu chí khác là tỷ lệ lao động thiếu việc làm. Ông có thể nói thêm về tiêu chí này?
Đây là tiêu chí rất quan trọng. Ở Việt Nam, tỷ lệ lao động thiếu việc làm thường cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp. Năm 2008, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam là 4,65%, tăng 0,01% so với năm 2007, trong khi đó, tỷ lệ lao động thiếu việc làm là 5,1%, tăng 0,2% so với năm 2007.
Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, tất cả những con số điều tra ở Việt Nam đều mang tính chất “bốc thuốc”. Hàng năm chúng ta chỉ có một lần điều tra thực trạng lao động vào 1/7, trong khi số lao động thiếu việc làm chỉ tạm thời và luôn luôn dịch chuyển.
Có thể ở thời điểm điều tra, anh không đi làm vì chưa có việc, nhưng anh có thể tìm thấy việc làm ngay sau đó. Vì thế, nếu muốn chính xác, công tác điều tra phải được thực hiện theo quý.
Trên thế giới, người ta thường quan tâm và công bố chỉ số thất nghiệp, chỗ làm trống, thì ở mình lại chú trọng vào mục tiêu tạo việc làm mới?
Số lao động thất nghiệp phản ánh chính xác nhất về thị trường lao động, vì thế chỉ cần quan tâm đến lao động thất nghiệp là đủ.
Khi lao động thất nghiệp giảm, có nghĩa là cơ hội việc làm lớn và ngược lại, đâu cần quan tâm một năm anh cần tạo bao nhiêu việc làm mới, bởi nắm cái anh thất nghiệp một cách chính xác thì biết ngay lượng việc làm mới.
Ngoài ra, tập trung vào giải quyết thất nghiệp, tức là giải được bài toán sản xuất, tăng trưởng. Còn cái anh tạo việc làm mới nó không thực chất, không cụ thể và thực tế.
Ở Mỹ và một số nước, họ có cách tính tỷ lệ thất nghiệp rất chính xác, điều tra hàng tháng. Họ có các trạm quan sát về thị trường lao động. Họ tính số lượng lao động từng vùng và sẽ đặt trạm quan sát sao cho hợp lý để điều tra cung cầu lao động, từ đó tính được số lao động thất nghiệp.
Ví dụ ở Hà Nội với một lưu lượng dân số thế này, một lưu lượng lao động như thế, thì cần bao nhiêu trạm qua sát và cần bao nhiêu mẫu điều tra. Nếu đặt ở Hà Nội 5 trạm quan sát và mỗi trạm quan sát được 100 lao động, tại thời điểm nếu chỉ có 90 người đi làm thì 10 người còn lại là không có việc làm, vậy tỷ lệ thất nghiệp của trạm này là 10%.
Khi tổng hợp cả 5 trạm thì sẽ phản ánh được tình hình thất nghiệp của địa phương đó là bao nhiêu người, bao nhiêu %... một cách rất chính xác.
Sao mình không áp dụng theo cách đó, thưa ông?
Chúng ta đã từng thí điểm mô hình này tại Nghệ An rất thành công, nhưng không nhân rộng ra. Không phải chúng ta không muốn làm mà là chưa làm được. Lý do thì có nhiều, thiếu nhân lực, chuyên môn, không có kinh phí để duy trì...
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate