Cái tên mới nhất gia nhập danh sách này là China Aoyuan Group Ltd., một công ty có trụ sở ở Quảng Đông – Bloomberg đưa tin.
Tuần trước, Aoyuan cho biết không có gì đảm bảo công ty này sẽ thực hiện được một số cam kết tài chính nhất đi, và nguyên nhân là những vấn đề về thanh khoản. Sau đó một ngày, China Evergrande Group – “đồng hương” Quảng Đông của Aoyuan – cũng đưa ra tuyên bố tương tự khi đề cập đến khả năng tiến hành một chiến dịch tái cơ cấu nợ.
Ngày 7/12, tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings cắt giảm mạnh điểm tín nhiệm của Aoyuan, nói rằng “một vụ vỡ nợ hoặc một quy trình giống như vỡ nợ đã bắt đầu”.
Giá trái phiếu Aoyuan phát hành ở nước ngoài đã bắt đầu sụt giảm từ tháng 9, trong đó có một số trái phiếu hiện giảm giá còn 20 cent/1 USD mệnh giá – theo dữ liệu của Bloomberg. Cùng với đó, giá cổ phiếu Aoyuan đã giảm 75% trong năm nay, xuống mức thấp nhất nửa thập kỷ.
Thành lập cách đây 25 năm ở Quảng Châu, Aoyuan niêm yết cổ phiếu ở Hồng Kông từ năm 2007. Nếu tính theo doanh số, Aoyuan là công ty phát triển nhà lớn thứ 35 ở Trung Quốc.
Aoyuan hiện có dư nợ trái phiếu 4,3 tỷ USD, trong đó 3/4 là trái phiếu USD, theo Bloomberg. Công ty này có 2 lô trái phiếu Usd đáo hạn vào tháng 1 tới, với tổng tiền gốc là 688 triệu USD.
Tuần trước, Aoyuan cho biết việc các tổ chức đánh giá tín nhiệm liên tục hạ điểm tín nhiệm của công ty đã dẫn tới việc các chủ nợ đòi trả số tiền 651,2 triệu USD và hai bên đang thảo luận bước đi tiếp theo.
Trước Aoyuan, nhiều công ty bất động sản khác từ lớn đến nhỏ của Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo về khó khăn trong việc trả nợ, trong đó phải kể đến Evergrande và Kaisa Group Holdings Ltd..
Ngày 8/12, cổ phiếu Kaisa niêm yết tại Hồng Kông bị tạm ngừng giao dịch lần thứ hai chỉ trong vòng 2 tháng. Theo hãng tin Reuters, có vẻ như Kaisa đã không trả được khoản nợ trái phiếu quốc tế 400 triệu USD đáo hạn ngày 7/12. Hồi đầu tháng 11, cổ phiếu Kaisa đã bị đình chỉ giao dịch 3 tuần, sau khi có tin công ty trễ hạn thanh toán một sản phẩm tài chính.
Một số nhà phân tích cho rằng ngành bất động sản Trung Quốc có thể đối mặt với tình trạg vỡ nợ dây chuyền. Các vụ vỡ nợ trong ngành này năm nay đã lập kỷ lục về tổng giá trị, sau khi Chính phủ Trung Quốc triển khai các biện pháp nhằm hạn chế vay nợ quá đà.
Lợi suất trái phiếu “rác” (junk bond) do doanh nghiệp Trung Quốc phát hành đang cao chưa từng thấy, khiến các công ty có định hạng tín nhiệm thấp gặp khó khăn trong việc huy động vốn ở thị trường nước ngoài để trả các khoản nợ đáo hạn. Trong khi đó, doanh số bán nhà lại sụt giảm và các quy chế giám sát siết lại.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản vay vốn trái phiếu với lãi suất “khủng” đều có trụ sở ở Quảng Đông. Riêng trong tháng 10, đã có ít nhất 4 công ty địa ốc Trung Quốc vỡ nợ, trước khi cơ quan chức năng nước này yêu cầu các công ty phải chuẩn bị sẵn sàng cho việc thanh toán các khoản nợ trái phiếu quốc tế.
Trong niêm yết thông tin ngày 2/12, Aoyuan cho biết nếu không trả được khoản nợ hơn 650 triệu USD, công ty sẽ phải đẩy nhanh việc trả các khoản nợ quốc tế khác. Nếu không đạt được một thoả thuận với các chủ nợ, Aoyuan sẽ phải hứng chịu “ảnh hưởng tiêu cực lên hoạt động kinh doanh, triển vọng, điều kiện tài chính, và kết quả kinh doanh”.
Vấn đề mấu chốt lúc này là cuộc đàm phán gia hạn nợ của Aoyuan với các chủ nợ sẽ mang lại kết quả như thế nào. Nếu không có thoả thuận nào đạt được, công ty có thể gặp rắc rối lớn ngay cả trước khi hai lô trái phiếu quốc tế đáo hạn vào tháng 1.