Ba chuyến tàu nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 50 Ngày giải phóng tỉnh Bình Định này đã đưa đón khoảng 800 du khách. Là một trong những hành khách được trải nghiệm chuyến tàu "0 đồng", ông Trần Xuân Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Quốc tế Restour, chia sẻ ngành du lịch Bình Định đã tổ chức sự kiện rất quy mô và quy tụ rất nhiều công ty lữ hành đến với Bình Định.
Đây sẽ là cú huých lớn cho ngành du lịch sau những nỗ lực năng động, sáng tạo, dám làm của Bình Định. Chuyến đi lần này mang lại cơ hội phát triển cho ngành du lịch mà còn tạo ra môi trường thuận lợi để các công ty du lịch xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Bà Nguyễn Thị Kim Chung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định, cho biết hè năm nay tỉnh Bình Định triển khai chương trình thu hút khách du lịch đến tỉnh bằng đường sắt. Trong đó, tỉnh có triển khai một số chuyến, toa tàu charter (thuê nguyên chuyến, nguyên toa) miễn phí vé cho du khách từ TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng về Bình Định.
Ngoài ra, Hiệp hội Du lịch Bình Định tổ chức famtrip khảo sát, liên kết xây dựng sản phẩm du lịch và sản phẩm du lịch bằng tàu hỏa cho các doanh nghiệp lữ hành.

Cũng nhân dịp này, ngày 31/3/2025, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định đã tổ chức hội thảo liên kết phát triển sản phẩm du lịch Bình Định và kết nối sản phẩm du lịch đường sắt Đà Nẵng, Khánh Hòa. Trong 3 tháng đầu năm 2025, theo thống kê, tỉnhđã đón hơn 3,3 triệu lượt khách, trong đó hàng ngày lượng khách đến ga Diêu Trì và Quy Nhơn là gần 600 người.
Để có con số ấn tượng trên, tỉnh Bình Định đã nỗ lực phát triển du lịch đường sắt, thu hút khách từ TP.HCM và các tỉnh miền Trung qua các chuyến tàu hỏa, đặc biệt là tuyến Đà Nẵng - Quy Nhơn và Nha Trang - Quy Nhơn với tiện ích quốc tế.
Phát biểu tại hội thảo, ông Hà Văn Siêu, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, đánh giá cao tiềm năng du lịch bằng đường sắt của Bình Định khi có vị trí chiến lược trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, với ga Diêu Trì và ga Quy Nhơn kết nối thuận tiện đến trung tâm thành phố, các điểm du lịch. Đường sắt gần biển tạo cơ hội phát triển các chuyến tàu ngắm cảnh ven biển kết hợp du lịch nghỉ dưỡng.
Cũng theo ông Siêu, mặc dù có tiềm năng, du lịch đường sắt ở Việt Nam và Bình Định vẫn còn nhiều hạn chế như: cơ sở hạ tầng chưa hiện đại, tốc độ tàu chậm, dịch vụ trên tàu chưa hấp dẫn. Ngoài ra, việc kết nối giữa ga và các điểm du lịch còn yếu, cần cải thiện hệ thống phương tiện trung chuyển.
Để phát triển du lịch đường sắt và đạt mục tiêu trong năm 2025, ông Siêu cho rằng Bình Định cần đẩy mạnh nghiên cứu và ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch đường sắt, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch như chính sách thu hút du lịch MICE. Ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số bằng cách sử dụng nền tảng số để quảng bá du lịch, cung cấp thông tin chi tiết tại ga Diêu Trì...

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, cho biết năm 2024 UBND tỉnh Quảng Nam đã ký kết biên bản hợp tác với Tổng Công ty đường sắt Quảng Nam giai đoạn 2024 - 2030.
Qua đó, góp phần gia tăng nguồn khách du lịch đến Quảng Nam bằng đường sắt thông qua ga Trà Kiệu và ga Tam Kỳ; mở rộng tuyến kết nối "Chuyến tàu di sản miền Trung" giữa các điểm du lịch; kết nối, thúc đẩy liên kết phát triển du lịch giữa đường sắt và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cũng kiến nghị Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam quan tâm tăng cường công tác truyền thông, quảng bá các điểm đến du lịch, sản phẩm du lịch xanh, du lịch đường sắt trong các sự kiện, hội chợ trong nước và nước ngoài do cục tổ chức để thúc đẩy du lịch đường sắt trong khu vực.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến quan tâm, đề xuất Bình Định cần các tour du lịch đường sắt kết nối giữa các điểm du lịch của tỉnh với các tỉnh, thành miền Trung và hai đầu đất nước là TP.HCM, Hà Nội. Các tour du lịch tàu hỏa cần có tính liên vùng, kết nối các sản phẩm du lịch, các miền di sản, thiên nhiên và cần quan tâm chất lượng dịch vụ mỗi chuyến tàu; tích hợp những sản phẩm du lịch mới…
Nhân dịp này, ông Hà Trọng Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải Đường sắt Việt Nam, giới thiệu một số toa tàu, chuyến tàu du lịch đường sắt mà đơn vị triển khai thời gian qua tại các tuyến: Sài Gòn – Đà Nẵng; chuyến hành trình lên Đà Lạt; đoàn tàu kết nối di sản miền Trung Huế - Đà Nẵng; tuyến Hà Nội – Hải Phòng… Tại Bình Định, đơn vị đã khởi động các tuyến, toa tàu du lịch từ TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang về Quy Nhơn.
Ông Hà Trọng Thắng cho rằng hiện tuyến đường sắt Quy Nhơn - Diêu Trì (huyện Duy Phước, tỉnh Bình Định) dài 10km là tuyến đường nhánh, hằng ngày chỉ tổ chức chạy 1 đôi tàu khách SE29, SE30 (Sài Gòn - Quy Nhơn), do đó năng lực chạy tàu còn dư thừa, rất phù hợp với việc khai thác tàu du lịch.

Công ty cũng đề nghị tỉnh Bình Định và các đơn vị lữ hành nghiên cứu phương án tổ chức chạy hàng ngày từ 2 - 3 đôi tàu du lịch giữa ga Quy Nhơn và Diêu Trì. Dọc đường có các điểm tàu chạy chậm và dừng để khách check-in. Từ cách làm ở TP. Đà Lạt, tỉnh cần phát triển 10km đường sắt từ ga Diêu Trì – Quy Nhơn trở thành đường hoa, tạo ấn tượng du khách; nên cập nhật các sản phẩm du lịch mới, sản phẩm OCOP, ẩm thực của tỉnh để đưa lên các toa, chuyến tàu du lịch…
Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích, đánh giá, đề xuất các giải pháp có tính khoa học, thực tiễn về định hướng phát triển sản phẩm du lịch Bình định nói chung, du lịch đường sắt nói riêng.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài những thế mạnh mà Bình Định đang có, tỉnh cần có chính sách, cơ chế để giải quyết một số tồn tại như vẫn xảy ra tình trạng khách du lịch không biết tiêu tiền như thế nào, tiêu tiền ở đâu, tình trạng an ninh du lịch cho du khách người nước ngoài…
Bà Nhữ Thị Ngần, Tổng Giám đốc Hà Nội Tourism, cho biết: Trước mắt tỉnh cần xây dựng 3 bước để phát triển du lịch (gồm: xây dựng các gói sản phẩm du lịch; công tác xúc tiến quảng bá để du khách ở các thị trường mục tiêu biết đến và chịu tìm đến đây, xóa đi yếu tố mùa vụ; công tác tổ chức đón tiếp) để tránh tình trạng khách quốc tế đến và quay lại chỉ dưới 10%...