January 28, 2021 | 11:55 GMT+7

Đảo ngược chính sách của ông Trump, Tổng thống Biden tính tăng thuế với giới giàu

Ngọc Trang

Nếu chính quyền ông Biden tăng thuế với nhóm thu nhập trên 400.000 USD/năm, nước này sẽ thu được thêm khoảng 2.100 tỷ USD tiền thuế trong một thập kỷ

Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: Getty Images
Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: Getty Images

Tổng thống Mỹ Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump có quan điểm đối nghịch nhau ở nhiều vấn đề và chính sách thuế là một trong số đó. 

Theo CNBC, chính quyền của ông Biden đang tìm cách loại bỏ hoặc đảo ngược nhiều điều khoản trong chính sách thuế của cựu Tổng thống Trump. Năm 2017, ông Trump đã  ký sắc lệnh miễn giảm thuế cho nhiều doanh nghiệp và một bộ phận người dân Mỹ, trong đó đối tượng hưởng lợi chủ yếu là người giàu. 

Giờ đây, khi vừa tiếp quản chính quyền, ông Biden đang muốn tăng thuế với người giàu, đặc biệt là những người có thu nhập cao, tăng thuế an sinh xã hội nhiều hơn, bãi bỏ việc giảm mức thuế thu nhập tối đa, giảm giá trị các khoản khấu trừ, đồng thời tăng thuế đối với tài sản thừa kế và thu nhập từ đầu tư vốn, theo CNBC.

Trước đó, trong chiến dịch tranh cử, ông Biden cũng cam kết sẽ không tăng thuế đối với những người có thu nhập trung bình và thấp. Một số chính sách, như tăng tín dụng thuế, có thể sẽ giúp nhóm đối tượng này giảm số tiền thuế phải nộp. 

"Chính quyền của ông Biden đang muốn cải cách hệ thống thuế theo hướng tiến bộ hơn", giáo sư về luật thuế Richard Winchester của Đại học Seton Hall, nhận xét. "Một số người thuộc nhóm giàu nhất tại Mỹ hiện nộp thuế còn ít hơn so với những người thuộc nhóm nghèo nhất". 

Theo sắc lệnh thuế của ông Trump, thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm từ 35% xuống còn 21%. Ngoài ra, thuế thu nhập của người dân cũng được cắt giảm. Ví dụ, mức thuế thu nhập tối đa được giảm từ 39,6% xuống còn 37% (áp dụng với người có thu nhập trên 524.000 USD/năm). Mức miễn trừ thuế cơ bản được tăng gấp đôi, theo đó miễn trừ thuế tới 20% cho các chủ doanh nghiệp, bao gồm người sở hữu duy nhất hoặc đối tác của doanh nghiệp đó. Bên cạnh đó, luật cũng được điều chỉnh nên ít gia đình phải nộp thuế thừa kế hơn. Hầu hết chính sách thuế này được áp dụng tạm thời nhưng kéo dài tới hết năm 2025. 

Trong khi đó, chính sách thuế mới của ông Biden sẽ ngược lại hoàn toàn. Những người thuộc nhóm 1% giàu nhất sẽ phải trả thêm trung bình 260.000 USD từ năm sau, tương đương gần 16% thu nhập sau thuế của họ, theo phân tích từ Trung tâm Chính sách thuế Urban-Brookings. Còn nhóm thu nhập trung bình sẽ được giảm 680 USD tiền thuế, tương đương 1,1% thu nhập. Nhóm thu nhập thấp (dưới 25.000 USD/năm) sẽ được giảm 760 USD - tương đương 5,2% thu nhập. 

"Hệ thống thuế của chúng ta không thể nghiêng về phía có lợi cho các doanh nghiệp và người giàu, trong khi những người sống chủ yếu bằng đồng lương lại phải chịu gánh nặng thuế bất công", bà Janet Yellen, tân Bộ trưởng Tài chính của Mỹ, phát biểu trước Thượng viện vào tuần trước. "Ông Biden sẽ yêu cầu các doanh nghiệp và người giàu Mỹ phải nộp thuế một cách công bằng hơn". 

Theo phân tích Trung tâm Chính sách thuế Urban-Brookings, nếu chính quyền ông Biden tăng thuế với nhóm thu nhập trên 400.000 USD/năm, nước này sẽ thu được thêm khoảng 2.100 tỷ USD tiền thuế trong một thập kỷ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia về thuế, chưa rõ chính quyền của ông Biden có thể triển khai các chính sách mới này hay không khi mà Thượng viện Mỹ đang có sự chia sẽ như hiện nay.

"Các nghị sĩ đảng Dân chủ tại Thượng viện có thể thông qua hầu hết các chính sách thuế mới với phiếu bầu đa số (thay vì ngưỡng 60 phiếu như thường lệ) bằng cách dùng điều luật về ngân sách đặc biệt. Đây cũng là cách được đảng Cộng hòa sử dụng khi thông qua luật thuế năm 2017", Steve Rosenthal, thành viên cấp cao tại Trung tâm Chính sách Thuế Urban-Brookings, cho biết. "Nhưng với một Thượng viện chia rẽ như hiện tại, tỷ lệ đa số đó khá mong manh".

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate