June 11, 2014 | 15:44 GMT+7

Đảo nhân tạo, “vũ khí mới” của Trung Quốc trên biển Đông

An Huy

“Họ đang tạo ra những hòn đảo nhân tạo chưa từng tồn tại từ trước đến nay, giống như những hòn đảo nhân tạo ở Dubai”

Trung Quốc đang cấp tập đổ đất lấn biển, biến các đảo đá mà Bắc Kinh chiếm của Việt Nam năm 1988 thành các căn cứ quân sự nổi ở Trường Sa - Ảnh Bộ Ngoại giao Philippines.
Trung Quốc đang cấp tập đổ đất lấn biển, biến các đảo đá mà Bắc Kinh chiếm của Việt Nam năm 1988 thành các căn cứ quân sự nổi ở Trường Sa - Ảnh Bộ Ngoại giao Philippines.
Theo hãng tin tài chính Bloomberg, cát, xi măng, gỗ và thép là những công cụ mới nhất trong “kho vũ khí” phục vụ cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông.

Hãng tin này dẫn nguồn tin là các ngư dân và giới chức Philippines cho biết, tàu Trung Quốc đang thường xuyên chở vật liệu qua vùng nước gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam để phục vụ cho việc xây dựng. Điều này có thể dẫn tới sự ra đời của những hòn đảo hoàn toàn mới.

“Họ đang tạo ra những hòn đảo nhân tạo chưa từng tồn tại từ trước đến nay, giống như những hòn đảo nhân tạo ở Dubai”, ông Eugenio Bito-ono, 58 tuổi, người đứng đầu khu dân cư trên một hòn đảo của Philippines nói.

“Việc xây dựng này có quy mô rất lớn và diễn ra liên tục. Điều này có thể dẫn tới việc Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát toàn bộ biển Đông”, ông Bito-ono nói với phóng viên Bloomberg.

Theo hãng tin này, đảo nhân tạo có thể phục vụ cho các tuyền bố chủ quyền của Trung Quốc, đồng thời tạo ra căn cứ quân sự để nước này kiểm soát vùng biển nơi có những tuyến hàng hải bận rộn nhất thế giới.

“Mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là chiếm quyền kiểm soát thực tế, cho dù không phải là chính thức và hợp pháp, đối với các vùng nước lân cận, phía Tây của Thái Bình Dương”, ông Richard Javad Heydarian, giảng viên đại học Ateneo de Manila của Philippines, nhận xét.

“Vấn đề duy nhất lúc này là liệu Trung Quốc có làm được điều đó không, và làm như thế nào để đạt được, trong khi các nước tuyên bố chủ quyền khác đang có sự phản kháng rất mạnh mẽ”.

Quần đảo Trường Sa của Việt Nam bao gồm hơn 100 hòn đảo và bãi đá, nằm ở phía Nam của biển Đông. Trung Quốc tự nhận quần đảo này thuộc chủ quyền của mình. Phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cao giọng hôm 6/6: “Bất kỳ việc gì mà Trung Quốc làm trên quần đảo Trường Sa đều nằm trong quyền chủ quyền của Trung Quốc”.

Trung Quốc bắt đầu việc cải tạo bãi đá Gạc Ma (do nước này chiếm của Việt Nam năm 1988) thuộc quần đảo Trường Sa từ tháng 2 năm nay. Hôm 15/5, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines, ông Voltaire Gazmin, tuyên bố, “chúng tôi gần như chắc chắn đó sẽ là một căn cứ” của Trung Quốc. Cũng trong tháng 5, Bộ Quốc phòng Philippines cho biết đã phát hiện một con tàu lớn của Trung Quốc chở cát ở gần khu vực này.

Mới đây, Philippines còn phát hiện thấy hoạt động của Trung Quốc ở bãi Ga Ven và bãi Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. “Chúng tôi một lần nữa cảm thấy lo ngại. Dường như đang có những diễn biến, trong đó có sự di chuyển của tàu bè”, Tổng thống Philippines, ông Benigno Aquino nói hôm 5/6.

Việc kiểm soát những hòn đảo có đường băng có thể giúp ích cho Trung Quốc nếu nước này tìm cách thiết lập một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở khu vực phía Nam như đã từng làm trên biển Hoa Đông. Tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc từng công bố ADIZ trên khu vực tranh chấp với Nhật Bản trên biển Hoa Đông.

Ông Pasi Abdulpata, một nhà thầu đánh cá hoạt động gần bãi Gạc Ma, nói tàu Trung Quốc đã chở xi măng, gỗ và thép tới khu vực này hồi giữa tháng 5. “Chúng tôi nhìn thấy ba con tàu cỡ lớn bằng tàu tuần duyên. Những việc mà họ đang làm là sai trái, làm biến dạng cả đại dương”, ông Abdulpata nói.

Việc Trung Quốc tiến hành xây dựng trên bãi Gạc Ma, nếu có, là vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) mà Bắc Kinh ký kết với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hồi năm 2002. Cho dù, phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc một mực tuyên bố, nước này vẫn đang tuân thủ DOC.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate