March 22, 2022 | 16:55 GMT+7

Đáp trả trừng phạt, Nga ngừng đàm phán hiệp ước hòa bình với Nhật Bản

Trang Linh -

Đây là động thái nhằm phản ứng lại các biện pháp trừng phạt của Nhật áp đặt với Moscow do cuộc xung đột ở Ukraine...

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại một cuộc họp ở Mosow ngày 21/3 - Ảnh: Sputnik
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại một cuộc họp ở Mosow ngày 21/3 - Ảnh: Sputnik

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga ngày 21/3 cho biết nước này sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán với Nhật Bản về hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt các hành động thù địch trong Thế chiến thứ hai.

Đây là động thái nhằm phản ứng lại các biện pháp trừng phạt của Nhật áp đặt với Moscow do cuộc xung đột ở Ukraine.

Nhật Bản, Mỹ cùng nhiều nước châu Âu đến nay đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga kể từ khi nước này phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2. 

Nhật Bản - với vai trò một nước thuộc nhóm G7 - đã đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức tài chính của Nga cũng như hoạt động xuất khẩu chip, tước bỏ trạng thái đối tác thương mại "tối huệ quốc" (Most Favoured Nation) đối với Nga, đóng băng tài sản được cho là thuộc sở hữu của Tổng thống Nga Vladimir Putin...

"Trong điều kiện hiện tại, Nga sẽ không tiếp tục đàm phán với Nhật Bản về hiệp ước hòa bình. Chúng tôi không thể thảo luận về một văn kiện quan trọng trong quan hệ song phương với một quốc gia có quan điểm thù địch công khai và cố gắng gây tổn hại đến lợi ích của đất nước chúng tôi", Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ trong tuyên bố của mình. “Nhật Bản đang gây tổn hại đến lợi ích của Nga với lập trường rõ ràng là không thân thiện với Moscow”.

Theo Tờ Japan Times, Nhật Bản và Nga có quan hệ phức tạp và đã không ký hiệp ước hòa bình sau Thế chiến thứ hai vì tranh chấp kéo dài đối với 4 hòn đảo mà Moscow tuyên bố chủ quyền vào những ngày kết thúc cuộc chiến.

Ngoài việc rút khỏi các cuộc đàm phán về hòa bình, Nga sẽ chấm dứt việc cho phép công dân Nhật đi lại miễn thị thực tới các hòn đảo trên - được gọi là Lãnh thổ phía Bắc tại Nhật và Nam Kurils tại Nga. Bên cạnh đó, Moscow cũng dự định rút khỏi các cuộc thảo luận về hoạt động kinh tế chung tại các hòn đảo này và dự kiến không xem Nhật là đối tác của Nhật trong khuôn khổ Hợp tác Kinh tế Biển Đen.

Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh các chính sách “chống lại nước Nga” của Nhật Bản đã hủy hoại quan hệ song phương.

"Mọi trách nhiệm về những tổn hại đối với quan hệ hợp tác song phương của hai nước cũng như lợi ích của Nhật Bản thuộc về Tokyo", Bộ Ngoại giao Nga nói, đồng thời cáo buộc Nhật Bản “đã lựa chọn một cách có ý thức về một con đường chống lại nước Nga".

Vào sáng nay (22/3), tại cuộc họp về ngân sách, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói rằng thông báo của Moscow là “vô cùng bất công và hoàn toàn không thể chấp nhận được. Nhật Bản sẽ phản đối mạnh mẽ”.

“Bất chấp thực tế rằng tình huống này gây ra bởi cuộc tấn công vào Ukraine, Moscow đang cố gắng chuyển nó sang quan hệ Nga – Nhật. Chúng tôi không thể chấp nhận điều này”, ông Kishida nói và cho biết thêm rằng các biện pháp trừng phạt liên quan tới hành động của Nga ở Ukraine phải “được thực thi quyết liệt và liên tục với sự hợp tác của cộng đồng quốc tế”.

Ông Kishida cũng nhấn mạnh "lập trường cơ bản của Nhật Bản" trong việc giải quyết vấn đề lãnh thổ với Nga và việc ký kết hiệp ước hòa bình sẽ "không thay đổi".

Trước đó, ông Putin và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe - người từ chức vào năm 2020 - đã gặp nhau nhiều lần để giải quyết tranh chấp liên quan tới các hòn đảo nói trên. 

Nhật Bản cho rằng Liên Xô chiếm giữ trái phép bốn hòn đảo - Kunashiri, Etorofu, Shikotan và nhóm đảo nhỏ Habomai - ngay sau khi Nhật Bản đầu hàng trong Thế chiến thứ hai vào tháng 8/1945, trong khi Moscow cho rằng đây là hành động hợp pháp.

Trong cuộc gặp thượng đỉnh năm 2018 giữa ông Abe và ông Putin, hai nước tái khẳng định sẽ thực hiện các cuộc đàm phán hiệp ước hòa bình dựa trên tuyên bố chung năm 1956, trong đó nêu rõ hai hòn đảo nhỏ hơn - Shikotan và nhóm đảo nhỏ Habomai - sẽ được bàn giao cho Nhật Bản sau khi hai bên ký kết hiệp ước hòa bình. 

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida - Ảnh: Japan Times
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida - Ảnh: Japan Times

Tuy nhiên, vào tháng 7/2020, Hiến pháp sửa đổi của Nga có hiệu lực, trong đó có điều khoản cấm Moscow chuyển giao bất kỳ phần lãnh thổ nào của mình. Điều này đồng nghĩa Nga khó có thể thỏa hiệp với Nhật về các hòn đảo tranh chấp nói trên. Đàm phán về hiệp ước hòa bình giữa hai nước này đã kéo dài hàng thập kỷ.

Theo các nhà phân tích, dù Chính phủ Nhật Bản dưới thời ông Abe đã cố gắng tránh mô tả 4 hòn đảo tranh chấp trên là "một phần không thể tách rời" của lãnh thổ Nhật nhằm không ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán về hiệp ước hòa bình với Nga, Thủ tướng Kishida đã dùng cụm từ trên trong một cuộc tranh luận tại Quốc hội Nhật hôm 7/3, không lâu sau khi Moscow tấn công Ukraine.

Quan điểm của ông Kishida là ưu tiên lấy lại 4 hòn đảo thông qua đàm phán về hiệp ước hòa bình với Nga, nhưng việc này đến nay không có nhiều tiến triển. 

Chính phủ của ông Kishida đã có nhiều động thái cùng với các nước đồng minh và đối tác nhằm trừng phạt Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine, bao gồm việc kêu gọi người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi tham gia lên án Moscow vào cuối tuần trước.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate