May 24, 2021 | 20:20 GMT+7

Đau đầu vì hàng nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang

Ban Mai -

Có một nghịch lý đang xảy ra tại Tp.HCM là: trong khi thành phố đang cần tới 300.000 căn hộ giá thấp để đáp ứng nhu cầu nhà ở của nhiều cư dân thì cũng đang có tới chục nghìn căn hộ chung cư đang bị bỏ hoang, dù đã được xây xong 5-10 năm nay...

Khu tái định cư Bình Khánh, quận 2, Tp.Thủ Đức, Tp.HCM.
Khu tái định cư Bình Khánh, quận 2, Tp.Thủ Đức, Tp.HCM.

Khảo sát mới đây của Sở Xây dựng Tp.HCM cho thấy thực trạng đáng buồn này. Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng, thuộc Sở Xây dựng Tp.HCM, đang quản lý 9.434 căn hộ và hơn 2.500 nền đất phục vụ tái định cư còn bỏ trống tại 163 dự án. Mỗi năm thành phố phải tốn khoảng 71 tỷ đồng để bảo trì những căn hộ tái định cư bỏ hoang bị xuống cấp...

NGƯỜI DÂN THIẾU NHÀ Ở, CHUNG CƯ LẠI BỎ HOANG

Cụ thể, huyện Bình Chánh tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B có 1.454  căn hộ tái định cư để trống; quận 7 tại chung cư Tân Mỹ có 220 căn; quận 12 tại chung cư Tân Thới Nhất có 322 căn; quận Bình Thạnh tại chung cư 90 Nguyễn Hữu Cảnh còn 260 căn và căn hộ khu vực phường 12 có 212 căn; quận Thủ Đức tại chung cư Linh Trung có 237 căn; quận Gò Vấp tại chung cư Khang Gia có 103 căn; quận Bình Tân tại chung cư An Lạc A có 95 căn; quận 10 tại chung cư Phú Thọ có 274 căn; Tp.Thủ Đức tại khu đô thị mới Thủ Thiêm còn trống 5.334 căn hộ tái định cư, và hơn 2.250 nền đất bỏ trống….

Đặc biệt, Khu tái định cư Bình Khánh (quận 2, nay là Tp.Thủ Đức) được coi là dự án tái định cư có quy mô lớn nhất tại Tp.HCM. Dự án thuộc chương trình 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dự án có ba khu, gồm: khu 38,4 ha Bình Khánh có 6.220 căn hộ, khu 30,2 ha Bình Khánh có 4.216 căn hộ, và khu 17,3 ha An Phú - Bình Khánh có 1.844 căn.

Bên trong Khu tái định cư Bình Khánh, quận 2, Tp.Thủ Đức, Tp.HCM - Ảnh: BM.
Bên trong Khu tái định cư Bình Khánh, quận 2, Tp.Thủ Đức, Tp.HCM - Ảnh: BM.

Uỷ ban Nhân dân thành phố mong muốn nơi đây trở thành khu tái định cư có chất lượng tương đương với khu chung cư Sky Garden tại khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (quận 7).

Mặc dù đã hoàn thiện từ năm 2015, nhưng đến nay phần lớn các block nhà trong khu tái định cư Bình Khánh vẫn để trống.

Khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh cũng có quy mô khá lớn. Năm 2008, dự án này đã được Uỷ ban nhân dân Tp.HCM quy hoạch tổng diện tích 30ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.062 tỷ đồng. Nơi đây có 529 nền đất và 45 block chung cư với 1.939 căn hộ và nhiều công trình phụ như siêu thị, trường học, khu thể thao...

Đến giữa năm 2011, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng Công trình nâng cấp Đô thị Tp.HCM giao cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện Bình Chánh tiếp quản đưa vào sử dụng 23 lô với 940 căn hộ. Trong số đó, công ty đã bàn giao 115 căn, chỉ có khoảng 100 hộ vào ở.

Bên trong Khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, Tp.HCM - Ảnh: ITN.
Bên trong Khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, Tp.HCM - Ảnh: ITN.

Do dân cư về ở thưa thớt, nhiều block chung cư xây xong để hoang lâu năm không được bảo dưỡng nên tường bị bong tróc, nước sơn xuống màu cũ kỹ. 

SẼ ĐẤU GIÁ HÀNG NGHÌN CĂN HỘ

Thực tế, những khu tái định cư Bình Khánh (quận 2); khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) có quy hoạch rộng rãi, khuôn viên lớn, đường nội nội khu rộng (dù một số đường nội khu và đường chính vào Vĩnh Lộc B vẫn chưa hoàn thiện, vẫn để rải đá răm, bụi bặm)...

Tuy nhiên, tiện ích nội khu gồm: phần vui chơi, giải trí, luyện tập thể thao cộng đồng, như: sân bóng đá, bể bơi… vẫn chưa đầy đủ. Về lâu dài khi đưa vào sử dụng cần phải bổ sung những hạng mục này.

Nói về điều này, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành, phân tích: đối với các dự án chung cư ngoài chất lượng xây dựng, thiết kế, việc quản lý vận hành rất quan trọng sau khi đưa vào sử dụng, chưa nói đến việc bỏ hoang nhiều căn hộ dẫn tới xuống cấp trầm trọng, như tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B.

"Cần tính toán bán những căn hộ này cho người thu nhập thấp và có nhu cầu nhà ở thực sự, thay vì bỏ hoang hàng ngàn căn hộ, chưa kể phải tốn chi phí bảo trì rất lớn", ông Nghĩa nói.

Trước thực trạng trên, một phương án mà Uỷ ban Nhân dân Tp.HCM đưa ra là bán đấu giá các khu tái định cư ế ẩm cho doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp cải tạo lại cho phù hợp mới bán cho người dân để ở.

Thành phố cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Uỷ ban Nhân dân thành phố quyết định điều chỉnh mục tiêu dự án, quỹ nhà phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội hoặc thương mại thay cho Bộ Xây dựng, theo Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ.

Tới đây, trong tháng 6/2021, thành phố sẽ thực hiện đấu giá lần thứ 4 với 3.790 căn hộ tái định cư thuộc khu 38,4ha, phường Bình Khánh, Tp.Thủ Đức với mức giá đề xuất 9.900 tỷ đồng, trong đó, lô R1, R2, R3 có 2.220 căn; lô R4, R5 có 1.570 căn.

Trước đó, vào thời điểm tháng 7/2018, trên cơ sở thẩm định giá theo giá thị trường, Sở Tài chính Tp.HCM đã báo cáo kiến nghị Uỷ ban Nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt phương án giá trị quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất với tổng giá trị khoảng 9.936 tỷ đồng.

 

Trong số 9.400 căn hộ để trống trên địa bàn, khoảng 4.800 căn đã được Uỷ ban Nhân dân thành phố cho phép bán đấu giá. Uỷ ban Nhân dân các quận huyện muốn giữ lại hơn 2.000 căn hộ để dự trữ cho các dự án sắp thực hiện, nên chỉ còn hơn 2.000 căn hộ tái định cư trống.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM

Theo quy định, doanh nghiệp khi tham gia đấu giá phải ký quỹ 20% giá khởi điểm. Nếu đơn vị trúng đấu giá thì trong vòng 1 tháng phải nộp 50% giá trị trúng đấu giá, 50% còn lại nộp trong vòng 90 ngày.

Một doanh nghiệp bất động sản đề xuất các khu chung cư tái định cư nên được chuyển đổi thành nhà ở xã hội để tạo điều kiện bán cho các đối tượng người lao động thu nhập thấp có nhà ổn định sinh sống.

Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), về lâu dài chính sách tái định cư sẽ được thực hiện bởi 3 phương thức là tái định cư tại chỗ, tái định cư dự án khác và nhận tiền tự lo chỗ ở mới, trong đó ưu tiên tái định cư tại chỗ. Nếu áp dụng cả 3 phương thức này sẽ khắc phục được những bất cập của chính sách tái định cư hiện nay.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate