May 29, 2017 | 15:20 GMT+7

Đấu giá biển số đẹp, từ chối biển không đẹp thì sao?

Nguyễn Lê

Số đẹp thì nhà nước đấu giá còn số không đẹp công dân có quyền bỏ tiền ra từ chối để đảm bảo công bằng không?

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) phát biểu tại hội trường.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) phát biểu tại hội trường.
Cử tri có hỏi biển số đẹp thì nhà nước bán như thế còn số không đẹp công dân có quyền bỏ tiền ra từ chối để đảm bảo công bằng không?

Băn khoăn này được đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đặt ra khi Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), sáng 29/5.

Cần cân nhắc

Báo cáo tiếp thu, giải trình dự án luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết qua thảo luận một số ý kiến đề nghị bổ sung số điện thoại đẹp, biển số xe đẹp, quyền sở hữu trí tuệ, cơ sở dữ liệu, vùng trời, vùng biển, giá trị lịch sử, văn hóa, tài sản vô hình, thương hiệu,... vào nội dung phân loại tài sản công tại điều 4. 

Đề nghị này đã được tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo luật mới nhất.

Nhưng luật hoá đấu giá biển số đẹp thế nào để khả thi thì vẫn là vấn đề còn tiếp tục gây tranh luận.

Tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội (cuối năm 2016) đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đã kiến nghị nếu biết khai thác, cho đấu giá, quản lý tốt kho biển số xe và số điện thoại có thể giúp ngân sách thu được cả triệu tỷ đồng trong vài chục năm tới.

Theo ước tính của ông Cảnh thì nếu đấu giá ngay trong giai đoạn 2018-2020 khi luật có hiệu lực thì có thể thu tới 100.000 tỷ đồng. Bởi chỉ cần 25 triệu đồng/biển số xe, với ước tính 3 năm tới lượng ôtô sẽ tăng 1,8 triệu xe thì sẽ có thêm 45.000 tỷ đồng. Với xe máy, con số này còn lớn hơn nhiều.

"Với 63 tỉnh thì kho số tiềm năng là 160 triệu biển số, tương ứng có 14.400 số ngũ linh có 5 số giống nhau. Nếu 1 tỷ/số thì chúng ta sẽ có 14.400 tỷ đồng”, ông Cảnh tính toán. 

Tiếp tục vấn đề này ở phiên thảo luận sáng nay, đại biểu Cảnh nói theo chủ quan của ông thì series 99.999 số thì có 12.186 số đẹp, dự đoán có 61.500 chủ phương tiện sẽ yêu cầu số theo ngày sinh, ngày cưới, số đặc biệt theo cá nhân họ. Nếu tổng kết 1 series có thể thu được 1.639 tỷ đồng. Với số lượng ô tô bán trong năm 2016 là hơn 300.000 chiếc thì nếu thực hiện chủ trương này trong năm 2016 đã có thể thu được gần 5.000 tỷ đồng và nếu chúng ta triển khai tương tự với xe hai bánh thì cũng thu được một số tiền tương tự. 

Tuy nhiên, đạo biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) và một số vị khác đề nghị cân nhắc kỹ điều này để quy định cho phù hợp, bởi liên quan đến quyền tài sản của công dân. 

Ví dụ số 13 ba chìm bảy nổi công dân có quyền từ chối đảm bảo công bằng? Ngoài các biển số xe đẹp, vậy các số khác như số định danh công dân thì công dân cũng rất có nhu cầu chọn số đẹp, đề nghị chúng ta cần nhắc chuyện này. ông Hồng phát biểu .

Tiến tới dùng chung xe công

Báo cáo giải trình tiếp thu dự án luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết nhiều ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ, cụ thể việc tiếp nhận các tài sản cho/biếu/tặng ngay trong luật, vì thực tế hiện nay một số cơ quan, đơn vị sử dụng các tài sản cho, biếu, tặng (ôtô) không đúng tiêu chuẩn, định mức được quy định, gây tai tiếng và phản ứng trong quần chúng về việc xung đột lợi ích. 

Tiếp thu điều này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo bổ sung vào điều 11 việc cấm “Sử dụng xe ôtô và các tài sản khác do các tổ chức, cá nhân biếu, tặng cho không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ”. 

Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) thì cần xử lý cả hành vi nhận, bởi đây mới là hành vi tiền đề của việc sử dụng. 

Cùng quan tâm đến vấn đế này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng cần thiết kế chặt chẽ hơn, bởi ngoài tặng xe, không loại trừ trường hợp có cả tiền. 

“Nhiều đơn vị người ta gợi ý luôn tôi có ôtô rồi, đề nghị tặng tiền. Đó là sự thật. Ngoài ra, cần bổ sung thêm thời điểm, bởi có trường hợp tặng đúng định mức, chế độ, quy định nhưng vào thời điểm nhạy cảm như khi xét thầu, thì khó có thể nói là không có mục đích. Các cụ đã tổng kết “của biếu là của lo, của cho là của nợ” là rất đúng”, đại biểu nhấn mạnh.

Liên quan đến khoán kinh phí sử dụng tài sản công (điều 34), có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể ngay trong dự thảo luật cơ chế áp dụng khoán xe công, đối tượng áp dụng, cách tính mức khoán và thời điểm áp dụng... 

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng hiện việc thí điểm và áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công mới được triển khai thực hiện ở một số cơ quan, cần có sự tổng kết, đánh giá thận trọng. Việc quy định cách tính mức khoán, các chức danh cụ thể... cần được quy định ở văn bản dưới luật để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với sự biến động của nền kinh tế và nhu cầu của công tác quản lý của Nhà nước trong từng thời kỳ. Riêng về thẩm quyền quy định mức khoán kinh phí, tiếp thu ý kiến của đại biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo điều chỉnh theo hướng thay thẩm quyền của Bộ Tài chính bằng thẩm quyền của Chính phủ. 

Giải trình cuối phiện họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết việc sử dụng ôtô công đang được thiết kế theo hướng dùng chung - văn phòng Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân sẽ là một đơn vị sử dụng ô tô chung, để đảm bảo việc giảm đầu xe, việc sử dụng xe tiết kiệm.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate