Tại buổi lễ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết từ đầu mùa dịch Covid-19 đến nay, toàn ngành dành 500 tỷ đồng, riêng 5 tháng qua là 200 tỷ đồng hỗ trợ ngành y tế phòng chống Covid-19.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, đại dịch Covid-19 bùng phát, lan rộng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế xã hội toàn cầu. Tại Việt Nam, dưới sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, trong đó Bộ Y tế với vai trò thường trực đã có những đóng góp rất quan trọng, giúp nước ta thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao là điểm sáng.
Bày tỏ sự cảm ơn tới ngành Y tế, các cán bộ y tế trên cả nước đã nỗ lực cống hiến cả thời gian, công sức, tình cảm vì công cuộc phòng chống đại dịch nói chung, Thống đốc đánh giá cao vai trò quan trọng của Bộ Y tế trong thành quả phòng chống dịch và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Còn từ góc độ của ngành ngân hàng, để chung tay phòng dịch Covid-19 đồng thời hỗ trợ phục hồi kinh tế, từ đầu năm 2020, ngành ngân hàng vào cuộc sớm, đánh giá phân tích dự báo đưa ra chính sách hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân như đưa ra các chính sách cho phép các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại các khoản nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí thanh toán, và thực hiện nhiều giải pháp chính sách theo chủ trương chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.
Đến nay kết quả đạt được con số rất đáng ghi nhận từ doanh nghiệp, người dân. Bên cạnh thực hiện các giải pháp như vậy ngành ngân hàng cũng gắn kết với các Bộ, ngành, địa phương để tiếp tục rà soát các chính sách để chỉnh sửa bổ sung cho phù hợp.
Cũng theo Thống đốc, tùy theo tình hình tài chính của từng ngành doanh nghiệp, toàn hệ thống doanh nghiệp, hết sức trách nhiệm và ủng hộ chủ trương của Ngân hàng Nhà nước trong thực hiện chính sách hỗ trợ người dân. Đặc biệt, hoạt động an sinh xã hội cũng được toàn ngành Ngân hàng rất quan tâm. Đó là hoạt động truyền thống của hệ thống ngân hàng được Ban Lãnh đạo cũng như các thế hệ cán bộ công chức của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng qua các thời kỳ đều rất quan tâm.
“Trong nhiệm kỳ vừa qua con số về tài trợ an sinh xã hội rất đáng kể. Mỗi năm, ngành ngân hàng dành trên 1.000 tỷ đồng triển khai các chương trình an sinh xã hội trên toàn quốc. Từ năm 2020 đến nay, tập thể cán bộ công nhân viên chức ngành Ngân hàng đã dành khoảng 500 tỷ đồng”, Thống đốc nói.
Đáng chú ý, riêng 5 tháng đầu năm 2021, ngành ngân hàng đã có khoảng 200 tỷ đồng hỗ trợ công tác phòng chống Covid-19, mua sinh phẩm chẩn đoán Covid-19, mua vaccine...
Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã vận động các ngân hàng thể hiện quyết tâm chung tay thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị, của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine.
Hiện 4 ngân hàng thương mại là Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank mỗi ngân hàng ủng hộ 25 tỷ đồng để mua vaccine. “Tuy số tiền ủng hộ của ngành Ngân hàng cũng chưa phải là nhiều, chưa thể đáp ứng được yêu cầu của Bộ Chính trị, Chính phủ đối với chương trình mua và sử dụng vaccine nhưng đây là tấm lòng và thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của các ngân hàng”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.
Đồng thời, Thống đốc cũng bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục nhận được sự quan tâm ủng hộ của các tổ chức cá nhân,tập đoàn mạnh thường quân làm sao hiện thực hóa chủ trương của Bộ Chính trị cũng như chương trình chỉ đạo của Chính phủ theo Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vaccine vì đất nước vì nhân dân tiếp tục thực hiện mục tiêu kép.