Một nhóm học giả cho rằng dù phương Tây ngày càng siết chặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga, nước này thực chất thu được nhiều hơn từ việc bán dầu so với dự kiến.
Nghiên cứu của nhóm học giả đến từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF), Đại học Columbia và Đại học California nói rằng kể từ khi Liên minh châu Âu (EU) thực thi lệnh cấm vận đối với dầu thô Nga và nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) áp trần giá lên dầu thô Nga vào ngày 5/12/2022, Nga hoá ra vẫn thu về nhiều tiền hơn từ xuất khẩu dầu.
Các học giả đã tính toán và nhận thấy sau khi các biện pháp trên có hiệu lực, Nga bán được dầu với giá bình quân khoảng 74 USD/thùng, trong khi trần giá mà G7 đặt ra đối với dầu Nga là 60 USD/thùng. Nghiên cứu này mang tên “Đánh giá ảnh hưởng của lệnh trừng phạt quốc tế đối với xuất khẩu dầu Nga”, được đăng trên Mạng lưới Nghiên cứu khoa học xã hội (Social Science Research Network).
Nghiên cứu tập trung vào hai vấn đề chính, gồm ảnh hưởng của lệnh cấm vận do EU áp đặt và trần giá do G7 áp đặt đối với dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển, và bao trùm khoảng thời gian 4 tuần sau khi các biện pháp này chính thức có hiệu lực.
“Chúng tôi thấy rằng Nga đã chuyển hướng được xuất khẩu dầu từ châu Âu sang các thị trường thay thế như Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Lúc đầu, số tiền thu được từ việc bán dầu sang các thị trường này bị hạn chế đáng kể bởi mức chiết khấu cao mà các nhà xuất khẩu dầu Nga phải chấp nhận ở những phân khúc thị trường nơi lệnh cấm vận của EU dù chưa được thực thi đã khiến nhu cầu giảm xuống”, báo cáo viết.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng “đến cuối năm 2022, chiết khấu đối với các loại dầu thô khác của Nga không còn lớn như chiết khấu đối với dầu Urals (loại dầu chính của Nga). Đặc biệt, giá dầu Nga ở những phân khúc không bị ảnh hưởng bởi nhu cầu giảm xuống của châu Âu, chẳng hạn xuất khẩu từ các cảng của Nga trên Thái Bình Dương, không hề giảm mạnh và các chuyến hàng có vẻ như không tuân thủ gì trần giá mà phương Tây áp đặt”.
Theo báo cáo, “một tỷ trọng lớn dầu thô Nga đang được bán cao hơn nhiều so với trần giá 60 USD/thùng”. Nhóm tác giả cũng kêu gọi “trần giá đối với dầu thô Nga nên được hạ xuống sớm nhất có thể” để đảm bảo mục tiêu của phương Tây là hạn chế thu nhập của nước này từ xuất khẩu năng lượng.
Các dữ liệu gần đây hơn cho thấy Nga xuất khẩu nhiều dầu kỷ lục, và hai khách “sộp” là Trung Quốc và Ấn Độ cũng nhập khẩu dầu Nga nhiều chưa từng thấy. Theo hãng tin Bloomberg, trong tuần thứ hai của tháng 2, Nga xuất khẩu 3,6 triệu thùng dầu mỗi ngày, tăng 26% so với tuần trước đó.
Bloomberg dẫn số liệu từ công ty Kpler cho thấy tổng nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Nga trong tháng 1 đạt mức cao nhất kể từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine, đồng thời phá vỡ kỷ lục cũ thiết lập vào tháng 4/2022. Trong đó, nhập khẩu dầu nhiên liệu (fuel oil) từ Nga vào Trung Quốc cũng đạt mức cao nhất mọi thời đại.
Hãng tin Reuters ngày 20/2 đưa tin nhập khẩu dầu thô Nga vào Ấn Độ đạt kỷ lục 1,4 triệu thùng/ngày, tăng 9,2% so với tháng 12.
Tuy nhiên, trong một dấu hiệu cho thấy các biện pháp trừng phạt có thể bắt đầu có ảnh hưởng đến Nga, nước này mới đây tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày từ tháng 3. Tiếp đó, Nga tuyên bố tăng mức cắt giảm thêm 25%.
Việc Nga cắt giảm khai thác dầu đang là một nguồn lực hỗ trợ giá dầu bên cạnh việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế. Tuy nhiên, nỗi lo về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát vẫn đang gây áp lực mất giá lên dầu.
Giá dầu đang tiến tới hoàn tất tháng giảm thứ tư liên tiếp, với mức giảm hơn 3%.
Trong bối cảnh như vậy, nhiều tổ chức dự báo đã hạ dự báo giá dầu năm nay. Trong số những dự báo mới nhất, ngân hàng Bank of America hạ triển vọng giá dầu Brent bình quân năm 2023 còn 88 USD/thùng, từ mức 100 USD/thùng trước đó.