January 06, 2021 | 09:19 GMT+7

Đầu tư công: Chưa giải ngân hết sẽ "tự trừ và chịu thiệt"

An An

"Nếu bộ, ngành, địa phương không giải ngân hết vốn được giao trong năm sẽ bị trừ vào kế hoạch đầu tư công trung hạn"

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Chia sẻ về những điểm mới trong Luật Đầu tư công (2019) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, nếu bộ, ngành, địa phương không giải ngân hết vốn được giao trong năm sẽ bị trừ vào kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây nhiều hệ lụy tới nền kinh tế, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 vẫn cao nhất giai đoạn 2016-2020. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thực hiện giải ngân đến hết tháng 11 là gần 330 nghìn tỷ đồng, đạt 70,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (470,6 nghìn tỷ đồng); ước giải ngân đến 31/12/2020 là gần 390 nghìn tỷ đồng, đạt 82,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Đây là năm có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong cả giai đoạn 2016-2020 (cùng kỳ các năm từ 2016 đến 2019 đạt lần lượt là: 80,3%; 73,3%; 66,87% và 67,46%). Đối với số vốn kéo dài các năm trước sang năm 2020, thực hiện giải ngân 11 tháng đạt 63,8% kế hoạch; ước giải ngân 12 tháng đạt 75% kế hoạch.

Có được kết quả đó trước hết là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc triển khai công tác đầu tư công năm 2020 (4 cuộc họp trong các tháng 4, 7, 8 và 10/2020) và hội nghị chuyên đề về các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; sự đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải ngân vốn của các Đoàn công tác do Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính làm trưởng đoàn, tiến độ giải ngân từ cuối tháng 7 đến nay đã có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt từ tháng 10 đến nay.

Có 17 bộ, cơ quan Trung ương và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân đến 31/12/2020 ước đạt trên 80%, trong đó 10 bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 90%. Có 13 bộ, cơ quan Trung ương và 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 60%, trong đó có 6 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40%.

Một lý do nữa là 2020 là năm cuối thực thi Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 (Luật số 49) trước khi chuyển sang Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 (Luật số 39) kể từ ngày 1/1/2021. Trong đó, một trong những điểm nổi bật của luật mới là buộc các bộ ngành, địa phương phải giải ngân tốt hơn, theo đúng tiến độ, nếu không sẽ bị trừ vào kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Vậy chất lượng đầu tư công thì sao, thưa ông?

Ở đây, tôi hiểu chất lượng đầu tư công là chất lượng dự án. Trong luật quy định rất rõ trách nhiệm của các bên liên quan như tư vấn, giám sát, thẩm định dự án... để đảm bảo chất lượng dự án, tránh trường hợp con đường vừa làm xong đã xuất hiện ổ trâu ổ gà, kè vừa xây xong đã sụt lún nghiêm trọng... Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ xác định khối lượng đầu tư để từ đó thúc đẩy tiến độ giải ngân theo đúng kế hoạch. Chúng tôi hy vọng, với những quy định chặt chẽ về giám sát, quản lý công trình... chất lượng dự án sẽ đi đôi với tiến độ giải ngân.

Với điểm mới trong Luật Đầu tư công mới (Luật số 39) như vừa chia sẻ, ông kỳ vọng gì về giải ngân đầu tư công trong những năm tới?

Có thể nói, giai đoạn từ năm 2016 đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp. Có nhiều lý do, trong đó, về pháp luật, Luật Đầu tư công cũ (Luật số 49) cho phép giải ngân trong 2 năm. Đương nhiên, năm đầu thường không bao giờ tiêu hết tiền, nên tỷ lệ giải ngân của năm đó thấp.

Hơn nữa, giai đoạn 2016-2020 là lần đầu tiên các bộ ngành, địa phương làm kế hoạch đầu tư công trung hạn nên có nhiều bỡ ngỡ và vướng mắc. Nhiều dự án phê duyệt thiếu chuẩn xác giữa nguồn lực dự kiến và thực tế, cho nên dẫn tới câu chuyện 21 chương trình mục tiêu quốc gia thiếu tới hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư.

Còn bắt đầu từ năm 2021, khi Luật số 39 có hiệu lực, Luật chỉ cho phép giải ngân trong một năm, nếu không giải ngân hết sẽ bị trừ vào kế hoạch trung hạn. Chẳng hạn, kế hoạch đầu tư công giao 5.000 tỷ đồng cho giai đoạn 5 năm, trong đó năm thứ nhất giao 1.000 tỷ đồng. Năm đó chỉ thực hiện được 800 tỷ đồng, tức là sẽ bị hủy 200 tỷ đồng trong dự toán đầu tư. Như vậy kế hoạch trung hạn 5.000 tỷ đồng sẽ chỉ còn 4.800 tỷ đồng.

Đặc biệt, Luật số 39 về cơ bản sẽ khắc phục tình trạng "con gà và quả trứng" trong đầu tư công diễn ra nhiều năm nay. Luật yêu cầu bộ ngành, địa phương phải xác định nguồn vốn trước khi tính tới dự án, thay vì vòng luẩn quẩn từ chuẩn bị dự án – thẩm định – phê duyệt – vốn – rồi lại chuẩn bị dự án – thẩm định... mãi không thể xử lý.

Do đó, những thay đổi này sẽ làm cho người lập kế hoạch đầu tư đúng hơn, sát hơn. Trước đây, khi làm kế hoạch, bộ ngành, địa phương nào cũng muốn làm sao càng nhiều tiền càng tốt, nhưng bây giờ, kế hoạch nhiều chưa chắc đã tốt. Nhiều tiền mà không giải ngân được, không những về mặt hành chính bị phê bình mà về kinh tế còn bị trừ tiền trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đương nhiên làm kế hoạch bao giờ cũng có chênh lệch khi triển khai, nhưng đừng để khoảng cách quá lớn...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư hy vọng, trong năm 2021, với việc triển khai Luật Đầu tư công số 39 cùng với loạt giải pháp đôn đốc bộ ngành, địa phương, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ tốt hơn. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cập nhật thông báo về tiến độ giải ngân để các bộ ngành, địa phương có động thái thúc đẩy tiến độ thực hiện, nếu không, theo Luật sẽ tự trừ số tiền chưa giải ngân hết trong năm của bộ ngành và địa phương và đương nhiên như thế các bộ ngành, địa phương sẽ chịu thiệt.

Với những kỳ vọng như vậy, đầu tư công sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 khi dịch bệnh Covid-19 được dự báo vẫn còn diễn biến khó lường, thưa ông?

Không thể khẳng định chắc chắn giải ngân đầu tư công là động lực của tăng trưởng GDP trong năm 2020 dù rằng chưa bao giờ, tốc độ giải ngân đầu tư công lại nhanh và mạnh như năm 2020.

Phân tích cụ thể, chúng ta đều biết rằng, công thức tính GDP có 3 yếu tố gồm: nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Cả 3 yếu tố này đều có đóng góp vào tăng trưởng GDP. Do đó, không thể nói kết quả tăng trưởng dựa vào 1 động lực duy nhất. Ở đây, có thể đề cập theo hướng, trong tất cả các động lực giúp tăng trưởng thì động lực nào đóng góp cao nhất và tích cực nhất. Riêng với năm 2020, có thể khẳng định đầu tư công là động lực tích cực cho tăng trưởng GDP. Đơn cử, GDP là 100%, tổng đầu tư toàn xã hội chiếm 34% GDP, đầu tư công chiếm 25% của tổng đầu tư toàn xã hội, nghĩa là chiếm khoảng 6-7% của GDP. Con số này là tính đến đóng góp trực tiếp, chưa tính tác động lan tỏa của đầu tư công cho GDP. Điều này cũng khẳng định rằng, đầu tư công có một vai trò quan trọng nhưng không phải là duy nhất.

TÌNH HÌNH GIẢI NGÂN MỘT SỐ DỰ ÁN LỚN, DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông: theo báo cáo của Bộ Giao thông - Vận tải đến ngày 24/12/2020, tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần là 9,96 nghìn tỷ đồng/10,8 nghìn tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2020 (bao gồm cả vốn năm 2019 chuyển sang và điều chỉnh kế hoạch nội bộ kế hoạch vốn năm 2020), đạt 92,21%.

Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành: dự án được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 là 18,5 nghìn tỷ đồng và được bố trí vốn lũy kế vốn từ 2018-2020 là 18,19 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, lũy kế giải ngân đến nay là 5,04 nghìn tỷ đồng, đạt 27,69% kế hoạch được giao, trong đó, giải ngân kế hoạch vốn năm 2020 là 224 triệu đồng.

Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ: dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 839/QĐ-TTg (16/6/2020) với tổng mức đầu tư là 4,82 nghìn tỷ đồng, sử dụng 100% nguồn vốn NSNN; Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt dự án tại Quyết định số 1170/QĐ-BGTVT (17/6/2020).

Tại Quyết định số 515/QĐ-TTg (15/4/2020), Thủ tướng Chính phủ đã giao 932 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn cho dự án từ nguồn dự phòng chung. Bộ Giao thông - Vận tải đã có Quyết định số 914/QĐ-BGTVT (29/4/2020) giao 932 tỷ đồng cho dự án. Đến nay, dự án đã giải ngân được 907 tỷ đồng, đạt 97,3% kế hoạch.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate