Hàn Quốc bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ những năm 1990 và nhanh chóng trở thành nhà đầu tư lớn ở Việt Nam. Tính đến năm 2008, có 2.114 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động ở Việt Nam với tổng số vốn lũy kế là 18,952 tỷ USD.
Đặc biệt, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2012, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng vọt.
VỐN ĐẦU TƯ TỪ HÀN QUỐC TĂNG MẠNH
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2013, vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam mới đạt 3,8 tỷ USD, nhưng chỉ sau đó một năm, vốn đầu tư đã tăng gần gấp đôi lên 6,1 tỷ USD và trở thành nhà đầu tư lớn nhất Việt Nam.
Sau đó, vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng liên tục và ổn định qua các năm. Cụ thể, năm 2015, số vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam là 6,72 tỷ USD; năm 2016 là 7,0 tỷ USD; năm 2017 đạt 8,49 tỷ USD; năm 2018 là 7,2 tỷ USD; năm 2019 là 7,92 tỷ USD.
Năm 2020, do tác động của đại dịch Covid -19, vốn đầu tư giảm sâu nhưng vẫn đạt 3,9 tỷ USD, đến năm 2021 số vốn tăng trở lại, đạt 7,4 tỷ USD.
Tuy vậy, đến năm 2022, do suy giảm kinh tế toàn cầu cùng tác động từ cuộc xung đột Nga – Ukraine…, vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam đã giảm xuống 4,88 tỷ USD. Song, Hàn Quốc vẫn là đối tác đầu tư đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và góp vốn, mua cổ phần nhiều nhất (chiếm 20,4% số dự án mới, 32,6% số lượt điều chỉnh và 34,1% số lượt góp vốn, mua cổ phần).
Đáng chú ý, trước đây, các dự án FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa thì hiện nay, đã có hàng loạt các dự án đầu tư quy mô lớn, điển hình là các dự án của Samsung vào Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh, đầu tư của tập đoàn LG tại Hải Phòng. Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu của nhiều tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc.
Cùng với đó là nhiều dự án lớn của các nhà đầu tư khác tại Việt Nam như Dự án nhà máy sản xuất gang thép của Tập đoàn Posco đầu tư với vốn đăng ký 1,126 tỷ USD; Dự án xây dựng tổ hợp văn phòng và khách sạn Landmark Tower của Tập đoàn Keangnam với tổng số vốn đầu tư 1 tỷ USD; Dự án xây dựng cụm tháp đôi khách sạn 5 sao Hà Nội Plaza và khu văn phòng cao cấp với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD của Tập đoàn Charmvit…
Về lĩnh vực đầu tư, trong những năm đầu, Hàn Quốc là một trong những quốc gia đầu tư mạnh vào ngành dệt may tại Việt Nam; gần đây là lĩnh vực công nghệ cao. Cùng với thời gian, vốn đầu tư của Hàn Quốc mở rộng sang các lĩnh vực mới như xây dựng, bất động sản, phân phối, bán lẻ, văn phòng, khách sạn, bảo hiểm… Tính đến năm 2022, vốn FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng vốn đầu tư với 86%.
ĐÓNG GÓP VÀO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA VIỆT NAM
Với việc rót hơn 80 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam (tính đến hết năm 2022), Hàn Quốc là đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Hàn Quốc có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian qua.
Thứ nhất, doanh nghiệp Hàn Quốc đã góp phần hình thành, phát triển ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam. Đặc biệt từ sau khi Samsung và LG đổ bộ vào Việt Nam, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ. Hiện ngành này chiếm tỷ trọng gần 20% giá trị toàn ngành công nghiệp.
Thứ hai, doanh nghiệp Hàn Quốc đã đưa nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo công bố của Samsung, tính đến hết năm 2021, hệ thống nhà cung ứng của Samsung tại Việt Nam đã có 254 doanh nghiệp (bao gồm cả nhà cung ứng cấp 1 và cấp 2), tăng đáng kể so với con số 4 nhà cung ứng cấp 1 trong năm 2014.
Thứ ba, doanh nghiệp Hàn Quốc đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu của Việt Nam. Nhiều ước tính cho thấy, các doanh nghiệp Hàn Quốc đóng góp khoảng 25% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, riêng Samsung đã chiếm khoảng 1/5 giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với con số hàng chục tỷ USD/năm.
Thứ tư, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động Việt Nam (cả trực tiếp và gián tiếp). Đến cuối năm 2021 có khoảng 8.000 công ty Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam với việc sử dụng hơn một triệu người lao động. Không chỉ tạo ra hơn một triệu việc làm trực tiếp, các doanh nghiệp Hàn Quốc còn gián tiếp tạo ra nhiều việc làm khác ở các lĩnh vực khác như dịch vụ, du lịch, giao thông...
Thứ năm, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã góp phần nâng cao chất lượng quản trị công ty, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, báo cáo từ Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho thấy, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam khá ổn định, pháp luật ngày càng chặt chẽ hơn và có nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao đòi hỏi nhà đầu tư có nguồn vốn lớn như sản xuất chip, các loại pin ô tô tối thiểu đầu tư phải hàng tỷ tới hàng chục tỷ USD trở lên, nên phải có chính sách hỗ trợ từ các cơ quan quản lý trung ương và địa phương. Do vậy, các nhà đầu tư sẽ nhìn vào thị trường và nhìn vào chính sách hỗ trợ, vấn đề pháp lý, chế độ ưu đãi.
Để tiếp tục hút vốn đầu tư từ Hàn Quốc, Việt Nam cần có những thay đổi chính sách theo hướng phù hợp thực tế đầu tư bên cạnh những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 21-2023 phát hành ngày 22-05-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam