Dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ nói trên sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) với thời gian đầu tư là 4 năm (2024 – 2027) kể từ ngày hiệp định ký kết giữa WB và Chính phủ Việt Nam có hiệu lực.
Tổng mức đầu tư dự án gần 9.300 tỷ đồng, tương đương khoảng 340 triệu USD; trong đó, vốn vay của WB là 263 triệu USD (tương đương gần 6.300 tỷ đồng) và vốn đối ứng phía Việt Nam 121 triệu USD (gần 2.900 tỷ đồng).
Cơ cấu sử dụng nguồn vốn gồm vốn vay WB được sử dụng cho các hạng mục như chi phí xây dựng, thiết bị trước thuế; chi phí tư vấn giám sát thi công và một số dịch vụ tư vấn theo chính sách của WB trước thuế; chi phí dự phòng cho các hạng mục trên. Vốn đối ứng được sử dụng cho các hạng mục như chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng còn lại, chi phí khác; chi phí giải phóng mặt bằng; các loại thuế, phí; chi phí dự phòng cho các hạng mục trên.
Về phương thức triển khai, dự án được chia thành 3 dự án thành phần: Dự án thành phần 1 là đầu tư nâng cấp tuyến quốc lộ 53; dự án thành phần 2 là đầu tư nâng cấp tuyến quốc lộ 62 và dự án thành phần 3 là đầu tư nâng cấp tuyến quốc lộ 91B.
Các dự án sau khi hoàn thành sẽ hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ kết nối khu vực các tỉnh, thành phố Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tuyến quốc lộ 53
Bộ Giao thông vận tải đề xuất nâng cấp cầu Ngã Tư (từ Km7+820 đến Km8+730) và đoạn Long Hồ - Ba Si (Km11+295 đến Km56+180) có tổng chiều dài đầu tư khoảng 41 km, thuộc địa phận hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Tuyến được đầu tư với tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h, nền đường rộng 12 m, mặt đường rộng 11 m, gồm 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ.
Tuyến quốc lộ 62 (qua Long An)
Đề xuất nâng cấp đoạn từ Km4+200 tại nút giao với cao tốc TP.HCM - Trung Lương đến Km74 với chiều dài đầu tư khoảng 69 km. Tuyến được nâng cấp, cải tạo đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h, nền đường rộng 12 m, mặt đường rộng 11 m gồm 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.
Tuyến quốc lộ 91B
Tuyến đầu tư có chiều dài khoảng 141 km, nằm trên địa phận TP. Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, đoạn từ Km2+604 tại ngã 5 cầu Cần Thơ đến Km143+480. Tuyến được nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h. Đối với những đoạn có nền đường rộng 12 m và mặt đường rộng 11m thì giữ nguyên quy mô và chỉ tăng cường mặt đường.
Trước đó, ngày 15/02/2024, Ủy ban nhân dân TP. Cần Thơ đã có quyết định giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ngân sách trung ương. Cụ thể, số vốn 3.235 tỷ đồng sẽ được giao bổ sung vào kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ngân sách trung ương cho dự án mở rộng, nâng cấp quốc lộ 91 đoạn Km0 đến Km7 do Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ làm chủ đầu tư.
Dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp quốc lộ 91 này được Hội đồng nhân dân TP. Cần Thơ thông qua hồi cuối năm 2023 với tổng vốn đầu tư hơn 7.240 tỷ đồng, trong đó có 7.193 tỷ đồng từ ngân sách trung ương. Dự án thuộc nhóm A; công trình đường giao thông cấp II, vận tốc thiết kế tối đa 80 km/h; nền đường rộng 37 m; trong đó mặt đường xe chạy rộng 23 m, dải phân cách giữa 4 m, vỉa hè rộng 10 m.