Đây là một trong những nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết số 168/NQ - CP (ngày 29/12) ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26/NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
ĐẦU TƯ XÂY MỚI 2 CẢNG HÀNG KHÔNG: PHAN THIẾT VÀ QUẢNG TRỊ
Về giải pháp cụ thể cho nhiệm vụ này, Chương trình ban hành kèm theo Nghị quyết 168 nêu rõ: quy hoạch phát triển hệ thống đô thị vùng có kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại theo mô hình, tiêu chí tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Phát triển mạng lưới đô thị gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghiệp cao, khu kinh tế cửa khẩu và các trung tâm thương mại dịch vụ theo hướng đa trung tâm, tạo mạng lưới chắc giữa các địa phương trong vùng, hình thành ba tiểu vùng đô thị hóa tại Bắc Trung bộ Trung Trung bộ và Nam Trung bộ. Phát triển các đô thị trung tâm, đô thị hạt nhân cấp vùng và tiểu vùng như xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc trung ương; Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế cấp vùng; Phát triển huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trở thành trung tâm du lịch biển đảo.
Bên cạnh đó là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi nội vùng và liên vùng. Kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế ven biển, các khu công nghiệp, khu công nghiệp cao Đà Nẵng và các cảng hàng không, cảng biển. Tập trung đầu tư phát triển hệ thống đường bộ cao tốc, đặc biệt là các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông để kết nối toàn bộ các địa phương trong vùng. Xây dựng đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuật; kêu gọi và thúc đẩy đầu tư tuyến đường cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn đoạn qua Nghệ An, đường cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, đường cao tốc Đà Nẵng - Thạch Mỹ - Ngọc Hồi - Bờ Y.
Chương trình đã đặt ra mục tiêu cho vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ: giai đoạn 2021 – 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7-7,5%/năm. Đến năm 2030, GRDP vùng tăng từ 2,5 – 3 lần so với 2020.
Đến năm 2030, toàn vùng có khoảng 1.554km đường bộ cao tốc. Hoàn thành tuyến đường bộ ven biển tại các địa phương trong vùng. Nghiên cứu đầu tư, nâng cấp các tuyến đường cao tốc trục ngang kết nối cửa khẩu các cảng biển. Nâng cấp cải tạo và nâng cấp hiệu quả khai thác 9 cảng hàng không hiện có trong vùng. Đầu tư xây dựng mới cảng hàng không Phan Thiết, cảng hàng không Quảng Trị. Tập trung nguồn lực phát triển các cảng biển có tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, nhất là các cảng biển ở Thanh Hóa, Nghệ An Đà Nẵng và Khánh Hòa. Nâng cấp, từng bước hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc Nam qua vùng. Nghiên cứu kêu gọi đầu tư các tuyến đường sắt kết nối cùng với khu vực Tây Nguyên và các cửa khẩu quốc tế trong khu vực.
CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ, TẠO CƠ CHẾ KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP
Ngoài ra, sẽ hoàn thiện quy hoạch và đầu tư phát triển hạ tầng giáo dục, đào tạo. Nâng cấp, hiện đại hóa các bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện đa khoa cấp thành phố và huyện. Đầu tư một số trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong đó có trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia tại thành phố Đà Nẵng, trung tâm khoa học công nghệ, đào tạo, sóc sức khỏe… theo quy hoạch. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, đầu tư, nâng cấp đồng bộ các thiết chế văn hóa, nhất là một số công trình văn hóa tiêu biểu của vùng…
Một trong những nhiệm vụ nữa của Chương trình là hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng. Bao gồm: cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cơ chế, chính sách để tạo động lực khuyến khích phát triển doanh nghiệp và thu hút nguồn lực nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng, trong đó tập trung phát triển các ngành kinh tế gắn với biển; Hình thành các cụm liên kết ngành ở phạm vi liên tỉnh, liên vùng gắn với các trung tâm kinh tế biển mạnh. Nghiên cứu sửa đổi bổ sung, cơ chế chính sách pháp luật về tài chính cho phép các địa phương huy động, phân bổ và chia sẻ nguồn lực để thực hiện các mục tiêu chung của vùng. Trong đó có hệ thống hạ tầng kết nối nội vùng, liên vùng...
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai Nghị quyết số 26 (diễn ra ngày 16/11), lý giải về việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ thực sự là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là "mặt tiền" của quốc gia, "khúc ruột" của Tổ quốc là "cửa ngõ" ra biển cả, "bệ đỡ" cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây với đường hàng hải, hàng không quốc tế, nhiều cảng biển và cảng hàng không lớn; có vị trí địa lý chiến lược về giao lưu kinh tế Bắc - Nam và Đông – Tây. Đây cũng là khu vực có quan hệ chặt chẽ với Tây Nguyên, với các nước bạn Lào, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar, nên có ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Đến năm 2030, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển, có kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước bạn Lào; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường…
(Trích Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022)