May 31, 2023 | 14:32 GMT+7

Đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt, đến lúc phải nghiên cứu sâu, đề xuất chính sách thích hợp

Anh Nhi -

Bên cạnh những doanh nghiệp thành công trong hành trình “vươn ra biển lớn” như Viettel, TH, FPT hay Vinamilk… vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong cạnh tranh với các đối thủ quốc tế, thậm chí vì nhiều lý do, có doanh nghiệp phải giải thể hoặc tạm dừng hoạt động…

Mytel, một trong những dự án thành công của doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài.
Mytel, một trong những dự án thành công của doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài.

Nhìn lại chặng đường gần một phần tư thế kỷ “vươn ra biển lớn” của các doanh nghiệp Việt Nam tại buổi ra mắt cuốn sách “Đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài và tại Myanmar” ngày 31/5, TS.Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Chủ tịch HĐTV Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế ISC đồng thời cũng là Chủ tịch Hội đồng biên soạn cuốn sách cho rằng đến lúc phải nghiên cứu sâu hơn về đầu tư ra nước ngoài (OFDI) của Việt Nam với mục tiêu cùng đạt hiệu quả trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam và đẩy mạnh đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.

“Đây là nhiệm vụ kép mà Việt Nam cần đạt được khi tiến hành hoạt động đầu tư quốc tế, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều bất ổn, phức tạp”, ông Thắng nhận định.

VỐN ĐẦU TƯ BÙNG NỔ RỒI CHỮNG LẠI

Nhiều năm qua, cùng với việc đẩy mạnh thu hút FDI, Việt Nam cũng đã cho phép các doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, khai thác tài sản chiến lược, tiếp thu kinh nghiệm quản lý và công nghệ tiên tiến của nước ngoài, mở rộng quan hệ cộng đồng, ngoại giao nhân dân…, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung và sự phát triển của doanh nghiệp Viêt Nam nói riêng; đồng thời, giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng, hiệu quả vào nền kinh tế thế giới, chung tay với bạn bè quốc tế xây dựng một thế giới hòa bình, thịnh vượng.

Trong giai đoạn 1999-2004, hoạt động đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài bắt đầu khởi động. Nghị định số 22/1999/NĐ-CP được ban hành đã tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp triển khai dự án OFDI. Có 42 dự án OFDI được cấp giấy phép trong giai đoạn này đang còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký (kể cả điều chỉnh tăng vốn) đạt 1,34 tỷ USD, chiếm gần 6,2% tổng vốn OFDI của Việt Nam (lũy kế đến hết năm 2022).

Giai đoạn 2005-2010 là giai đoạn bùng nổ đầu tư ra nước ngoài, sau khi Luật Đầu tư 2005 được thông qua và Nghị định số 78/2006/NĐ-CP quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam được ban hành. Trong giai đoạn này có 341 dự án đang còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 10,1 tỷ USD, chiếm 46,5% tổng vốn OFDI của Việt Nam.

Đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt, đến lúc phải nghiên cứu sâu, đề xuất chính sách thích hợp - Ảnh 1

Tiếp đó, trong giai đoạn 2010-2016, OFDI tiếp tục duy trì ở mức cao, với 512 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đăng ký tính tới hết năm 2022 đạt hơn 7,5 tỷ USD, chiếm 34,7% tổng vốn OFDI của Việt Nam.

Còn trong giai đoạn từ 2017-2022, đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam có xu hướng suy giảm, mặc dù số dự án OFDI tăng cao so với giai đoạn trước nhưng số vốn đăng ký chỉ đạt 2,73 tỷ USD, chiếm 12,6% tổng vốn OFDI của Việt Nam.

Tính đến hết năm 2022, Việt Nam đầu tư ra nước ngoài 21,7 tỷ USD, với 1604 dự án, thấp hơn đáng kể so với 438,7 tỷ USD vốn FDI qua 36.278 dự án.

Đánh giá về chặng đường 24 năm kể từ khi Nghị định 22/1999/NĐ-CP quy định về đầu ra ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam, Đại sứ Chu Công Phùng, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Myanmar cho rằng, vốn OFDI của Việt Nam còn nhỏ bé so với các nước trong khu vực và chưa tương xứng với quy mô và trình độ phát triển của nền kinh tế.

Còn theo TS.Phan Hữu Thắng cho rằng có thể nhận thấy sự cẩn trọng của một quốc gia đang phát triển, cố gắng hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới, nhưng vẫn còn e ngại về quy mô nền kinh tế và trình độ phát triển của mình.

Sự quá thận trọng trong việc điều chỉnh hệ thống pháp luật, chính sách và những hạn chế trong quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã làm giảm đi khát vọng “vươn ra biển lớn” của các doanh nghiệp Việt để phát triển thành doanh nghiệp toàn cầu, làm chậm lại quá trình phát triển và làm giảm hiệu quả của đầu tư ra nước ngoài.

NHẬN DIỆN DÒNG VỐN, ĐỀ XUẤT CHÍNH SÁCH THEO HƯỚNG THÍCH HỢP

Tuy đã đạt được những thành công bước đầu khi một số các tập đoàn, doanh nghiệp của Việt Nam tạo được ấn tượng trên thị trường quốc tế, mang được lợi nhuận về nước, gây dựng được thương hiệu ở nước ngoài (như Viettel, TH, FPT, KN, Vinamilk, NutiFood…) song theo ông Phan Hữu Thắng, vẫn còn nhiều doanh nghiệp, vì nhiều lý do, đã phải giải thể hoặc tạm dừng hoạt động.

“Do vậy, cần làm rõ nguyên nhân dẫn đến thành công và cả thất bại trong đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam thông qua thực trạng đầu tư, các kết quả sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp… để từ đó có những nghiên cứu chuyên sâu và đề xuất giải pháp thích hợp”, ông Thắng nói.

Cụ thể, theo TS.Phan Hữu Thắng, các số liệu về đầu tư ra nước ngoài được công bố đang thiếu các đánh giá cụ thể về doanh thu, thực trạng tài chính, thu nộp ngân sách của các doanh nghiệp từ khoản đầu tư ra nước ngoài… nên các cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về đầu tư khá khó khăn trong đánh giá được đầy đủ và toàn diện về thực trạng đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam đến thời điểm này.

Ngoài ra, cần phân tích rõ khung khổ pháp luật đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam cũng như các nước nhận đầu tư để chỉ ra thuận lợi, khó khăn đối với doanh nghiệp khi đầu tư ra nước ngoài.

Trên cơ sở đó, cuốn sách đưa ra các khuyến nghị với Chính phủ về định hướng và giải pháp thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước từ nay đến năm 2030.

 

Cuốn sách Đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài là công trình đầu tiên nghiên cứu toàn diện về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, với góc nhìn từ một nước đang phát triển.

Trong điều kiện dữ liệu về OFDI toàn cầu năm 2022 chưa được công bố chính thức bởi các tổ chức quốc tế có uy tín, dữ liệu về OFDI của Việt Nam còn bất cập và chưa đầy đủ, các tác giả đã thu thập và sử dụng dữ liệu công bố chính thức bởi nhiều nguồn khác nhau như: Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Báo cáo Đầu tư thế giới của UNCTAD, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổng cục Thống kê, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và thông tin, số liệu khảo sát thực tế tại Myanmar.

Các thông tin, dữ liệu được cập nhật theo từng nội dung đến mức cao nhất có thể.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate