Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước.
HOA KỲ LÀ THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU LỚN NHẤT
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62,2 tỷ USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 32,7 tỷ USD, tăng 19,8%. Thị trường EU đạt 26,1 tỷ USD, tăng 14,5%. Thị trường ASEAN đạt 18,4 tỷ USD, tăng 23,3%. Hàn Quốc đạt 13,9 tỷ USD, tăng 9,9%. Nhật Bản đạt 13,5 tỷ USD, tăng 8,6%.
Một số mặt hàng Việt Nam thường xuất khẩu nhiều nhất sang Hòa Kỳ như: Dệt may; Giày dép; Gỗ và sản phẩm từ Gỗ; Máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng khác; Máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện; Điện thoại các loại và linh kiện.
Ở lĩnh vực đầu tư, số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, vốn đầu tư trực tiếp FDI từ Hoa Kỳ tăng mạnh, từ vị trí 11-12 những năm trước đến tháng 7/2021, Hoa Kỳ vươn lên ở vị trí thứ 7. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư FDI từ Hoa Kỳ 415 triệu USD với 45 dự án cấp mới và 39 dự án điều chỉnh. Các dự án của Hoa Kỳ chủ yếu tập trung ở lĩnh vực sản xuất, chiếm khoảng 61%, còn lại là các lĩnh vực khác.
Vốn đầu tư gián tiếp qua các quỹ đầu tư cũng tăng mạnh. Hiện, 8 quỹ đầu tư đến từ Mỹ vào Việt Nam có thể kể đến gồm: MSIF Frontier markets Portfolio, MSCI Ishares, Vaneck VietNam, FRANKlin Templeton Investment Fund, Harding Loevner Frontier Emerging Market Porfolio Class…Với tổng giá trị 655,3 triệu USD. Hiệu suất các quỹ này khá cao ghi nhận thấp nhất 6,3% và cao nhất là 22,1%.
CỔ PHIẾU NGÀNH NÀO HƯỞNG LỢI?
Đánh giá về quan hệ thương mại Hoa Kỳ - Việt Nam và các ngành hưởng lợi, trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán BSC cho rằng, ngành thép sẽ là ngành được hưởng lợi đầu tiên.
Kim ngạch xuất khẩu sắt thép sang thị trường Mỹ trong 1H/2021 đạt 336,000 tấn (+250% yoy) với tổng giá trị khoảng 332 triệu USD (+283% yoy), tương ứng với 7% tổng kim ngạch. BSC cho rằng thị trường Mỹ vẫn có dư địa tăng trưởng xuất khẩu cho các DN thép VN khi nhu cầu xây dựng tăng mạnh nhằm đẩy mạnh quá trình hồi phục kinh tế.
Giá các sản phẩm HRC và CRC tại thị trường Bắc Mỹ liên tục tăng trong vòng 1 năm trở lại đây. Nguyên nhân là (1) nhu cầu xây dựng và sản xuất tăng mạnh thúc đẩy hồi phục kinh tế sau dịch và (2) nguồn cung gián đoạn do các lệnh phong tỏa và giãn cách. BSC cho rằng giá bán HRC và CRC tại thị trường Bắc Mỹ sẽ duy trì ở mức cao nhờ nhu cầu xây dựng tăng mạnh khi gói kích thích kinh tế 1,900 tỷ USD của chính phủ Mỹ có hiệu lực trong thời gian tới.
Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thép dẹt tại thị trường Bắc Mỹ sẽ giúp cho kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành có tỷ trọng xuất khẩu đi Mỹ cao tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2021.
Tiếp theo là ngành dệt may. Mỹ luôn là một trong những thị trường xuất khẩu chính của ngành Dệt may Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu Dệt may vào Mỹ năm 2020 đạt 14 tỷ USD, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu Dệt may Việt Nam. Tính trong 7 tháng/2021, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 9,19 tỷ USD, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước.
BSC kỳ vọng hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may tiếp tục khả quan trong quý 3 nhờ (i) Giá trị đơn hàng khả quan ký từ đầu năm và ký mới khi nhu cầu mua sắm tại thị trường xuất khẩu tăng cao (ii) Mức nền thấp của năm 2020 hỗ trợ tốc độ tăng trưởng.
Tuy nhiên, việc giãn cách xã hội tại các tỉnh miền Nam trong Quý 2 và kéo dài sang Quý 3 là rủi ro chính và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp Dệt may vì (i) năng suất lao động giảm khi phải tiến hành giãn cách (phân ca làm việc, giảm thiểu số lao động,..) (ii) tăng chi phí cho doanh nghiệp (chi phí tiến hành 3 tại chỗ, chi phí kiểm dịch,…). Do đó, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc giao đơn hàng đã ký kết đúng hạn và e ngại khi ký đơn hàng mới khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Đối với ngành cảng biển, Mỹ là một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Ngành Cảng biển sẽ tiếp tục tăng trưởng với sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống Cảng biển 2H2021 kỳ vọng đạt 381 triệu tấn (+9% YoY) nhờ sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu khi các quốc gia đang thúc đẩy chiến dịch miễn dịch toàn dân kết hợp với các chính sách kinh tế kích thích tăng trưởng tiêu dùng và đẩy mạnh sản xuất.
Một số ngành khác có thể hưởng lợi như Thủy sản, Bất động sản khu công nghiệp. Mỹ luôn là một trong những thị trường xuất khẩu chính của ngành Thủy sản Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu Thủy sản vào Mỹ năm 2020 đạt 1,6 tỷ USD, chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu Thủy sản Việt Nam. Xuất khẩu thủy sản gồm cá tra và tôm sang các thị trường khác như Trung Quốc, châu Âu dù giảm song sang thị trường Hoa Kỳ vẫn tăng trong tháng 7/2021.
BSC kỳ vọng hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản duy trì đà hồi phục trong quý 3 nhờ các quốc gia tăng cường tiêm vắc xin cho người dân giúp cuộc sống (đi cùng với nhu cầu tiêu thụ thủy sản) trở lại bình thường (ii) Mức nền thấp của năm 2020 hỗ trợ tốc độ tăng trưởng. Tuy vậy, các doanh nghiệp thủy sản tiếp tục đối mặt với rủi ro như: việc giãn cách xã hội kéo dài ảnh hưởng hoạt động kinh doanh; giá cước vận tải vẫn neo ở mức cao; giá các loại thức ăn chăn nuôi tuy có giảm nhưng vẫn ở tăng 20% so với cùng kỳ. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chi phí đầu vào do chi phí thức ăn chiếm khoảng 60% - 70% chi phí nuôi trồng thủy sản.
Đối với ngành bất động sản khu công nghiệp, tỷ trọng nguồn vốn đầu tư FDI từ Mỹ vào Việt Nam liên tục được cải thiện sau chiến tranh thương mại Mỹ -Trung, nhờ đó cổ phiếu các khu công nghiệp cũng được hưởng lợi từ làn sóng FDI này.