Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức thường niên tại Davos, Thụy Sỹ đã có thêm một “ngôi sao” mới: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo trang CNN Money, ông Tập Cận Bình sẽ trở thành Chủ tịch Trung Quốc đầu tiên tham dự WEF. Điều này mang một ý nghĩa biểu tượng lớn trong bối cảnh Bắc Kinh nỗ lực thiết lập vị trí của một quốc gia lãnh đạo toàn cầu giữa lúc các cường quốc phương Tây, đặc biệt là Mỹ, có chiều hướng rút khỏi các vấn đề quốc tế.
Diễn đàn thường niên tại Davos năm nay diễn ra đồng thời với cuộc chuyển giao quyền lực ở Mỹ, khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ chính thức trở thành vị chủ nhân mới của Nhà Trắng vào ngày 20/1.
Trước đó chỉ ba ngày, vào ngày 17/1, ông Tập Cận Bình sẽ có bài phát biểu được chờ đợi trước các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nhân tham dự WEF. Dưới sự lãnh đạo của ông Tập, Trung Quốc đang theo đuổi một chính sách ngoại giao cứng rắn hơn và ra sức mở rộng ảnh hưởng trên toàn cầu thông qua các sáng kiến thương mại.
Các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc có vẻ như đã né tránh diễn đàn ở Davos vào năm ngoái. Chỉ có một vài quan chức nước này tham dự WEF 2016, trong đó có ông Fang Xinghai, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) - người dành phần lớn thời gian để bảo vệ cách phản ứng bị cho là “lóng ngóng” của Bắc Kinh trước sự lao dốc kinh hoàng của thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, bối cảnh thế giới năm nay đã có nhiều khác biệt.
Hồi tháng 6/2016, cử tri Anh đã bỏ phiếu chọn rút khỏi Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Tiếp đó, bà Hillary Clinton, ứng cử viên của Đảng Dân chủ, thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trước ông Trump - một tỷ phú bất động sản, ngoại đạo chính trị, một người đặt dấu chấm hỏi đối với nhiều nguyên tắc đã giúp duy trì trật tự thế giới hiện nay suốt nhiều thập kỷ qua.
Hồi tháng 6/2016, cử tri Anh đã bỏ phiếu chọn rút khỏi Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Tiếp đó, bà Hillary Clinton, ứng cử viên của Đảng Dân chủ, thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trước ông Trump - một tỷ phú bất động sản, ngoại đạo chính trị, một người đặt dấu chấm hỏi đối với nhiều nguyên tắc đã giúp duy trì trật tự thế giới hiện nay suốt nhiều thập kỷ qua.
“Sự xuất hiện của Tập Cận Bình tại Davos là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc mong muốn thể hiện rằng họ đã sẵn sàng có sự tham gia mang tính xây dựng vào quản trị toàn cầu và nắm giữ một vai trò lãnh đạo phù hợp với sức mạnh kinh tế của họ”, ông Eswar Prasad, cựu Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Trung Quốc, nhận định.
Trong cuộc đua vào Nhà Trắng, ông Trump đã chỉ trích mạnh các thỏa thuận tự do thương mại, nhờ đó tranh thủ được tâm lý bất mãn của một bộ phận công chúng đối với quá trình toàn cầu hóa. Sau khi trúng cử, Trump đã tuyên bố rằng ngay sau khi nhậm chức ông sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận mà Trump từng mô tả là một “thảm họa được làm ra và thúc đẩy bởi những nhóm lợi ích đặc biệt muốn gây hại cho đất nước của chúng ta”.
Và Trung Quốc đã không lãng phí thời gian. Nước này đã thúc đẩy một thỏa thuận tự do thương mại thay thế cho TPP với một loạt quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mang tên Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), kế hoạch của Trung Quốc có sự tham gia của 16 quốc gia, chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và hơn 1/4 kim ngạch thương mại toàn cầu.
Ngoài ra, do không “hài lòng” với ảnh hưởng có phần hạn chế tại Ngân hàng Thế giới (WB), một định chế do Mỹ dẫn đầu, và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), một định chế do Nhật Bản giữ vai trò chính, Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD để mở Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).
“Giữa lúc các quốc gia trên thế giới còn đang đánh giá về ảnh hưởng tiềm tàng của chính quyền Trump đối với mối quan hệ của họ với Mỹ, thì Trung Quốc đã tìm cách củng cố vị thế của mình như một cường quốc trưởng thành, đáng tin cậy, cởi mở với các mối quan hệ song phương gần gũi hơn cũng như vai trò lãnh đạo rộng hơn trong cộng đồng quốc tế”, ông Prasad, người hiện là một giáo sư thuộc Đại học Cornell, nhận xét.
Các nhân vật quyền lực có mặt tại Davos năm nay sẽ cố gắng hiểu những thay đổi này và vạch ra cách ứng phó. Trên thực tế, chủ đề của diễn đàn năm nay là “Responsive and Responsible Leadership” (tạm dịch: “Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm”).
Tuy nhiên, với việc Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhân vật được coi là trụ cột của châu Âu, không tham dự diễn đàn, và nước Mỹ dành mọi sự chú ý cho Trump, Trung Quốc có một cơ hội không thể tốt hơn để nắm lấy vị trí lãnh đạo.
“Trung Quốc đang chuẩn bị để lấp đầy bất kỳ khoảng trống quyền lực nào mà Mỹ để lại trong việc lãnh đạo thế giới”, ông Prasad nói.