Hôm 4/4, Công ty điện lực Tokyo (Tepco) cho biết, họ có kế hoạch xả 11.500 tấn nước phóng xạ ra biển nhằm lấy chỗ lưu trữ cho số nước đang bị nhiễm phóng xạ cao hơn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.
Người phát ngôn Tepco cho biết, số nước xả đi chỉ là nước nhiễm phóng xạ thấp. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano, nói: “Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác, việc xả nước có chứa phóng xạ ra biển được coi là biện pháp an toàn”.
Trước đó, Tepco ngày 3/4 cho biết nỗ lực đổ bêtông lấp vết nứt trên tường hầm cáp điện gần cửa lấy nước của lò phản ứng số 2 thuộc nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đã thất bại.
Trong các hầm này có rất nhiều thiết bị như cáp điện, nếu nước nhiễm xạ cao không được loại bỏ thì nhân viên không thể vào để sửa chữa, và như vậy chức năng làm mát lò phản ứng sẽ không thể khôi phục.
Trong lúc này, thảm họa điện hạt nhân Fukushima đã gây ra một mối lo ngại mơ hồ, nhưng rất thực tế ở nhiều quốc gia châu Á. “Ở Nhật mà còn thế” đã trở thành câu nói cửa miệng của người dân nhiều nước.
Tổng kết tình hình hạt nhân ở châu Á, RFI dẫn bài viết trên tờ Courrier International của Pháp cho rằng, sự phát triển loại năng lượng này đang được tiến hành một cách lan tràn, bất chấp nhiều cảnh báo nguy hiểm.
Cả một khu rừng ở sau lưng
Ở Nhật Bản, nơi phát nguồn nỗi sợ hạt nhân, Courrier International dẫn lại bài của nhật báo Tokyo Shimbun, ghi nhận ý kiến của chuyên gia Nhật Takashi Hirose qua bài viết “Phía sau cây Fukushima số 1 còn cả một khu rừng”.
Theo ông Hirose, thảm họa Fukushima là bằng chứng cho thấy các nhà máy hạt nhân khác ở Nhật đều có nguy cơ lâm nguy như Fukushima. Ông khẳng định, mảng kiến tạo địa chất Thái Bình Dương ngày càng trượt mạnh hơn, vì thế ở những vùng quanh quốc gia này sẽ ngày càng có nhiều trận động đất cường độ cao.
Hirose cho rằng, Nhật Bản đã thật sự đi vào thời kỳ có nhiều vụ động đất kể từ trận động đất Kobe năm 1995. Ông dẫn ra một loạt vụ động đất xảy ra liên tục từ năm 1997 đến năm 2009 với nhiều vụ làm hư hại các nhà máy hạt nhân.
Điều may mắn là, không có sự cố nào gây ra tình trạng như Fukushima. Nhưng Nhật Bản đã không biết rút ra bài học kinh nghiệm từ các vụ trên, để đến nỗi không kịp phản ứng trong thảm họa hiện tại ở Fukushima.
Ông Hirose hoài nghi, vậy đâu là chính sách hạt nhân cho tương lai, trong khi chính phủ và các tập đoàn điện lực không ngừng mở rộng qui mô các khu hạt nhân? Theo ông, người Nhật cần có thời gian dừng lại để xem xét cho thấu đáo vấn đề, cần phải cho tạm ngưng hoạt động 54 lò hạt nhân ở Nhật.
Vùng địa chất nào cũng mặc
Dẫn một bài viết khác trên tuần san tiếng Anh Outlook của Ấn Độ, tờ Courrier International cho biết, từ năm 1987, thường xuyên có trục trặc ở các nhà máy hạt nhân của Ấn Độ, nhưng quốc gia này vẫn tiếp tục xây dựng nhiều nhà máy hạt nhân mới.
Gần đây, Chính phủ Ấn Độ ký kết với Pháp, Nga, Mỹ về việc xây dựng các nhà máy hạt nhân với hy vọng trong vòng 20 năm sẽ tăng công suất điện từ 4.780 MW lên đến 63.000 MW. Tuy nhiên, các khu xây dựng thường nằm ở những khu vực có nhiều nguy cơ động đất và sóng thần.
Theo dự án, một nhà máy hạt nhân sẽ được xây dựng ở Jaitapur nằm trên bờ biển phía tây Ấn Độ, với công suất lên đến 10.000 MW. Từ năm 1985 đến 2005, trong khu vực này đã xảy ra khoảng 92 vụ động đất. Nơi đây đã được xếp là vùng có nguy cơ động đất cấp độ 3/5. Một nhà máy khác dự định được xây dựng ở Mithi Virdi cũng nằm ở cấp độ 3/5 về nguy cơ động đất.
Về Trung Quốc, Courrier International trích lại bài viết trên tuần san Tân Thế Kỷ cho biết, nhiều nhà máy hạt nhân ở Trung Quốc thiếu an toàn. 13 nhà máy hạt nhân đang hoạt động đều nằm ở vùng duyên hải.
Các nhà máy nằm trong dự án phát triển cũng có địa điểm tương tự. Thế nhưng, Trung Quốc vốn nằm trong danh sách những nước có nhiều nguy cơ động đất nhất hành tinh. Hiện tại, có rất nhiều chương trình xây dựng được đề ra ở Trung Quốc và dự kiến sẽ hoàn thành trong 10 năm nữa.
Một quan chức Trung Quốc cho biết, trong các nhà máy hạt nhân đang xây dựng hay còn trong dự án, có cả các tập đoàn Trung Quốc và nước ngoài cùng tham gia, tức có sự hỗn tạp trong kinh nghiệm, trong khả năng sản xuất và trong điều hành. Hơn nữa, đôi khi các nhà máy chạy quá công suất, đó cũng là một nguy cơ tiềm ẩn.
Việc tiến hành quá nhiều dự án như vậy đòi hỏi phải có đội ngũ giám sát tương ứng. Ở Mỹ, hiện tại có đến 3.981 chuyên viên an toàn hạt nhân chịu trách nhiệm giám sát ở 104 lò phản ứng, tức có đến 40 chuyên viên/lò phản ứng.
Trong khi đó, Trung Quốc thiếu hụt nghiêm trọng các chuyên gia đủ năng lực trong lĩnh vực giám sát an toàn hạt nhân, với mức chỉ có một chuyên viên giám sát trên một khu rộng lớn với máy móc thường cũ kĩ. Thêm vào đó là luật quốc gia về năng lượng hạt nhân, dù có từ 20 năm nay, nhưng vẫn còn nhiều thiếu sót, cần phải hoàn chỉnh và cập nhật thêm.
Và những mối nguy khác
Ở Philippines, Courrier International dẫn lại bài của tờ Philippine Daily Inquirer cho hay, Bataan là một dự án tiêu biểu của chính sách phát triển hạt nhân được tiến hành suốt nhiều năm, bất chấp các tiêu chuẩn an toàn. Việc xây dựng nhà máy duy nhất này của Philippines bắt đầu vào năm 1976 khi ông Ferdinand Marcos đang nắm quyền điều hành đất nước.
Nhà máy nằm cách thủ đô Manila khoảng 100 km, trong vùng duyên hải, cao hơn 18m so với mực nước biển, ở dưới chân núi Natib, một ngọn núi lửa đang ngủ yên, không xa núi lửa Pinatubo, cũng đang ngủ yên vào thời ấy, và đã bừng tỉnh dậy. Trên tổng thể, đó là một vùng có nguy cơ động đất.
Thế nhưng, các chuyên gia hạt nhân trong nước cũng như của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế lại khẳng định là nhà máy đủ tiêu chuẩn qui định. Nhà máy được hoàn thành vào năm 1985 với tổng chi phí lên đến 2,3 tỷ USD. Đối tác xây dựng là tập đoàn Westinghouse của Mỹ. Công nghệ của nhà máy này giống với nhà máy Fukushima.
Vụ việc năm 1986 đã làm cho dự án dừng lại. Chính phủ mới cho nhà máy hoạt động và yêu cầu kiểm soát các điều kiện an toàn, đồng thời cho điều tra tập đoàn Westinghouse về nghi ngờ lót tiền cho ông Marcos để ký được hợp đồng xây dựng nhà máy.
Năm 1992, Manila và Westinghouse ký kết thỏa thuận theo đó tập đoàn này đảm nhận việc chuẩn hóa nhà máy và đưa vào sản xuất điện, bù lại tập đoàn sẽ được khai thác nhà máy trong thời gian 30 năm. Thế nhưng, đến năm 1997, nhiên liệu hạt nhân được gửi trả về phía Mỹ. Sau đó, những dự án chuyển đổi công năng cũng chỉ là bề mặt, như dùng nhà máy làm cơ sở sản xuất Biogas hay nhà máy nhiệt điện.
Còn ở Pakistan, theo bài viết trên tờ The Express Tribune Pakistan, nhà máy hạt nhân ở Karachi, thành phố lớn nhất nước với 13 triệu dân, sản xuất ít điện. Nhà máy này bắt đầu vận hành từ năm 1972. Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, nhà máy chỉ hoạt động có 29,6% thời gian, và chỉ cung cấp được 7% nhu cầu điện của vùng Karachi.
Lợi ích thì nhỏ, nhưng nguy lại rất lớn. Nếu nhà máy Karachi bị khủng bố tấn công, bị hư hỏng thiết bị, bị động đất hay sóng thần, thì một lượng phóng xạ khổng lồ sẽ thoát ra ngoài môi trường. Khi ấy hậu quả sẽ khôn lường.
Tình trạng ở Indonesia cũng không khá hơn. Theo bài báo trên tờ Kompas được Courrier International trích dẫn, trong chương trình phát triển năng lượng sạch giai đoạn 2015-2019, vẫn có mặt năng lượng hạt nhân. Trong khi, theo Kompas, Indonesia là nước có nhiều núi lửa hoạt động, có nguy cơ động đất và sóng thần cao.
Còn tại Hàn Quốc, dẫn bài viết trên tuần san Sisa In Hàn Quốc, Courrier International cho hay, nước này hiện có 20 lò phản ứng trong đó có vài lò đã quá cũ. Sisa In cũng cảnh báo Chính phủ Hàn Quốc về dự án xây dựng các nhà máy hạt nhân mới.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate