Dòng tiền khá hưng phấn sáng nay khi được trợ lực từ diễn biến phục hồi mạnh của chứng khoán Mỹ đêm qua. Thị trường lại có tín hiệu dẫn dắt từ nhóm cổ phiếu ngân hàng. VN-Index tăng bùng nổ 1,4%, trước khi bên bán tranh thủ xả giá cao đồng loạt, ép chỉ số tụt xuống còn tăng 0,29%.
Nhịp tăng sớm được thuyết phục bởi cả thanh khoản lẫn nhóm dẫn dắt. Cổ phiếu ngân hàng có màn trình diễn ấn tượng khi tăng đồng loạt. Nhóm này kéo điểm số mạnh mẽ và cũng tạo đà lan tỏa tăng giá rộng rãi sang các nhóm cổ phiếu khác.
VPB gây bất ngờ nhất với nhịp kéo dữ dội trong khoảng 1 giờ giao dịch đầu tiên, giá thậm chí chạm mức kịch trần lúc 10h10. Lượng tiền đổ vào mua VPB cực mạnh giúp thanh khoản sáng nay đã tăng tới 75% so với cả ngày hôm qua. Giá trị khớp lệnh đạt 667,4 tỷ đồng, chiếm gần 30% tổng giá trị rổ VN30 và chiếm 16% cả sàn HoSE.
Tuy nhiên VPB cũng là cổ phiếu tín hiệu cho thấy có lực xả canh me sẵn. Cổ phiếu này trượt giá trong nửa sau của phiên sáng và từ mức kịch trần +6,8% đã co lại còn +4,82% lúc chốt phiên. Dĩ nhiên một cổ phiếu mạnh mẽ như VPB còn bị xả, thì thông điệp được thị trường nhìn nhận cũng rõ ràng: Hành động xả xuất hiện ở rất nhiều cổ phiếu khác, thậm chí ngay trong nhóm ngân hàng. BID bị đánh tụt 2,5% so với mức đỉnh, chốt phiên sáng còn tăng 0,78%; CTG tụt 1,24% còn tăng 1,09%; HDB bốc hơi sạch 2,04% quay lại tham chiếu; MBB tụt 2,19%, còn tăng 1,13%; STB bốc hơi 2,48% về tham chiếu; TCB thậm chí mất 2,82%, từ xanh thành đỏ 0,36%; VIB tụt 1,98% còn tăng 0,51%...
Hiện tượng xả hàng ở cổ phiếu ngân hàng cũng phản ánh rõ nét lên thay đổi giá ở các mã khác. Đầu tiên là độ rộng, lúc nhóm ngân hàng đạt đỉnh, kéo VN-Index tăng đạt đỉnh, độ rộng của chỉ số này ghi nhận 250 mã tăng/107 mã giảm. Đến hết phiên sáng, chỉ còn 155 mã tăng/217 mã giảm.
Trên toàn sàn HoSE, 278/340 mã có giao dịch – tương đương 82% số cổ phiếu – bị ép giá xuống ở mức độ khác nhau. Tới 180 mã bị ép từ 2% trở lên, chiếm 53% số mã có giao dịch. Đây là biên độ dao động lớn, phản ánh lực bán hạ giá trên diện rộng và tạo sức ép đáng kể. Trong số 180 mã này, cũng chỉ còn 35 mã trụ lại được trên tham chiếu dù đầu phiên hầu như tất cả đều tăng.
Không nên liên hệ việc đẩy giá cổ phiếu ngân hàng tạo động lực tăng ở nhóm khác và tranh thủ bán ra là một kịch bản giao dịch. Thị trường đơn giản có thể là xung đột quan điểm và đang có rất nhiều nhà đầu tư muốn thoát ra. Việc cổ phiếu ngân hàng tạo cơ hội thuận lợi thì nhà đầu tư chớp thời cơ là bình thường.
VN-Index hiện vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào cổ phiếu ngân hàng để có màu xanh. Trong 10 mã dẫn dắt điểm số, ngân hàng đóng góp 6 mã, lần lượt là VCB, VPB, BID, CTG, MBB và TPB. VN30-Index tăng 0,41%, mạnh hơn mức tăng 0,29% ở VN-Index cũng là nhờ cổ phiếu ngân hàng có trọng số vốn hóa cao. Trong 10 cổ phiếu thanh khoản nhất thị trường sáng nay thì cũng có tới 4 mã ngân hàng là VPB, STB, TPB và LPB.
Độ rộng của nhóm VN30 hiện cũng chỉ duy trì mức cân bằng, với 16 mã tăng/11 mã giảm. Tuy nhiên đây vẫn là nhóm giữ nhịp tốt nhất: Midcap đang giảm 0,54% với 19 mã tăng/45 mã giảm. Smallcap giảm 0,91% với 55 mã tăng/111 mã giảm.
Hiện sàn HoSE đang có 130 cổ phiếu giảm trên 1% và 60 mã đang tăng trên 1%. Thanh khoản ở nhóm tăng giá đang chiếm 40,5% tổng khớp sàn này, nhóm giảm giá chiếm 44,3%. Tương quan như vậy cũng không quá chênh lệch, cho thấy mức độ ép giá vẫn còn khá “hiền”. Tuy nhiên cũng nên lưu ý nhóm ngân hàng chiếm tỷ trọng giao dịch quá cao trên thị trường.
Tổng giao dịch hai sàn niêm yết sáng nay tăng gần 34% so với sáng hôm qua, đạt 4.526 tỷ đồng cũng là nhờ nhóm ngân hàng. HoSE tăng giao dịch 34%, đạt 4.172 tỷ đồng trong khi VN30 tăng 59%, đạt 2.243 tỷ đồng. Xét về con số tăng tuyệt đối, HoSE tăng 1.064 tỷ đồng thanh khoản thì 840 tỷ là tăng ở rổ VN30. Vài mã khác giao dịch nhiều bổ sung vào phần tăng còn lại là VND, DIG, LPB. Nói đơn giản thì mức gia tăng thanh khoản sáng nay hoàn toàn phụ thuộc vào cổ phiếu ngân hàng, cũng như vài mã trọng điểm khác.
Khối ngoại giao dịch khá yếu với tổng giải ngân tại HoSE là 334,6 tỷ đồng, bán ra 272,3 tỷ, tương ứng mua ròng 62,3 tỷ đồng. HPG được mua tốt nhất +34,1 tỷ, VHM +19,4 tỷ, VIC +10 tỷ. Phía bán chỉ có VRE -17,8 tỷ là đáng kể.
Việc tranh thủ xả khi giá tăng tiếp tục là lực cản trở thị trường đi cao hơn. Ngay cả khi có những yếu tố hỗ trợ tích cực về tâm lý cũng không thay đổi được nhu cầu này. Nếu không nhờ các cổ phiếu lớn vẫn đang đỡ điểm số, mức giảm của VN-Index xuất hiện có thể tạo áp lực bán lớn hơn.