Thời gian qua, TP.HCM và tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động khảo sát về đầu tư trên lĩnh vực thương mại, du lịch với sự tham gia của các sở ngành liên quan.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, việc phối hợp tổ chức các hoạt động khảo sát về đầu tư giữa TP.HCM và tỉnh Vĩnh Long một hoạt động rất có ý nghĩa không chỉ đối với việc phục hồi hoạt động kinh tế giữa TP.HCM và vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Theo bà Hiếu, các yếu tố về hạ tầng như giao thông ngày càng thuận lợi đã làm cho Vĩnh Long trở thành điểm kết nối quan trọng, thuận tiện giữa TP.HCM với các tỉnh miền Tây Nam Bộ, - thị trường có đến 40 triệu dân. Chính vì vậy, việc kết nối đầu tư trong lĩnh vực thương mại, du lịch giữa TP.HCM và tỉnh Vĩnh Long trong giai đoạn này là nhằm tạo ra tiền đề cho việc phát triển kinh tế - văn hoá xã hội của Vĩnh Long, của đồng bằng sông Cửu Long và cả TP.HCM trong thời gian tới.
Sở Du lịch TP.HCM cho biết, qua quá trình khảo sát, một số doanh nghiệp của hai địa phương đã có những thống nhất ban đầu về đầu tư trong lĩnh vực thương mại và du lịch. Các doanh nghiệp đã có những kiến nghị cụ thể được tổng hợp trong báo cáo đánh giá là tiền đề cho hội nghị xúc tiến đầu từ về thương mại – du lịch giữa TP.HCM và Vĩnh Long trong tháng 11/2022 này.
Tại hội nghị đánh giá các nội dung khảo sát và ký kết thỏa thuận về xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch giữa hai địa phương, diễn ra mới đây, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) đã báo cáo kết quả tổ chức khảo sát bốn dự án du lịch và bảy dự án thương mại mà tỉnh Vĩnh Long mời gọi đầu tư và khảo sát kết nối phát triển du lịch giữa TP.HCM và Vĩnh Long vào cuối tháng 10/2022 vừa qua.
Cụ thể, trong chương trình khảo sát, đoàn TP.HCM và đoàn tỉnh Vĩnh Long đã quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế và chính sách ưu đãi đầu tư du lịch - thương mại của tỉnh, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Đồng thời, giới thiệu, hướng dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư khảo sát các dự án mời gọi đầu tư,...
Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu môi trường đầu tư trên địa bàn. Tỉnh này cũng giới thiệu, hướng dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư khảo sát các dự án mời gọi đầu tư thuộc lĩnh vực du lịch, thương mại; đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin hiện trạng của dự án và giải đáp, làm rõ các vấn đề doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm.
Ông Phan Văn Giàu, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Long định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch; đồng thời bảo tồn giá trị văn hóa làng nghề truyền thống, bảo tồn văn hóa lúa nước Nam Bộ.
TP.HCM bắt đầu mở cửa từ ngày 15/3/2022 và ngành du lịch Thành phố đã xây dựng, làm mới nhiều chương trình tham quan, bảo đảm an toàn đón khách quốc tế trở lại thành phố sau hai năm “đóng cửa” vì dịch Covid-19. Việc tái khởi động ngành du lịch, trên thực tế đang đối diện với rất nhiều khó khăn, do dịch bệnh đã để lại hậu quả nặng nề. Chưa hết, vấn đề hậu Covid-19 cũng đang là những thách thức trước mắt cho ngành du lịch, không chỉ riêng đối với TP.HCM mà cả với các địa phương thành viên chuỗi liên kết.
Hồi giữa tháng 3/2022, để phục hồi và phát triển ngành du lịch, TP.HCM và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long đã bắt tay liên kết hợp tác phát triển du lịch nhằm vượt qua khó khăn đang “bủa vây” ngành du lịch.
Thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa 14 địa phương trên tinh thần hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, bình đẳng và cùng phát triển; bảo đảm hiệu quả thiết thực cho cộng đồng; trong đó doanh nghiệp du lịch đóng vai trò quyết định trong việc triển khai hợp tác này.
Công tác triển khai các nội dung theo kế hoạch bảo đảm các yêu cầu về thích ứng an toàn với dịch Covid-19 trong điều kiện mới, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp du lịch khắc phục các khó khăn, hạn chế và phục hồi do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Được đánh giá là “điểm kết nối” quan trọng giữa TP.HCM với các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Vĩnh Long đã cam kết luôn đồng hành cùng nhà đầu tư từ khâu nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư phù hợp quy hoạch; đồng thời đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư.
Theo ông Phan Văn Giàu, cam kết đồng hành của địa phương còn được thể hiện trong giai đoạn giải quyết các thủ tục hành chính để triển khai dự án; trong hoạt động đầu tư xây dựng công trình. Tỉnh Vĩnh Long tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan chủ động phối hợp, hỗ trợ kịp thời giải quyết những khó khăn và vướng mắc, kiến nghị và đề xuất của nhà đầu tư. “Chúng tôi cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh cho nhà đầu tư”, ông khẳng định.