April 06, 2022 | 06:00 GMT+7

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công: Nếu đơn vị nào chậm phân bổ sẽ điều chuyển sang nơi khác

Ánh Tuyết -

Đến cuối quý 1, còn hơn 50.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ; tỷ lệ giải ngân ì ạch, chỉ đạt trên 11%, thấp hơn cùng kỳ và vẫn còn 29 đơn vị chưa giải ngân đồng nào...

Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/3 gần 62.000 tỷ đồng, đạt 11,03% kế hoạch và đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021.
Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/3 gần 62.000 tỷ đồng, đạt 11,03% kế hoạch và đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021.

Báo cáo về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước ước thực hiện 3 tháng kế hoạch năm 2022, Bộ Tài chính cho biết, tính đến thời điểm báo cáo, mới nhận được báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 của 51/51 bộ, cơ quan trung ương và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Tuy nhiên, theo Bộ này, hiện có tới 19/51 bộ, cơ quan trung ương và 30/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. 

TRÊN 50.000 TỶ ĐỒNG CHƯA PHÂN BỔ

Theo đó, tổng số vốn phân bổ là 507.003.233 tỷ đồng, đạt 97,86% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (518.105,895 tỷ đồng).

Trong đó, các địa phương giao tăng so với số kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 39.912,993 tỷ đồng.

Nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương giao tăng là 39.912,993 tỷ đồng thì tổng số vốn phân bổ là 467.090,240 tỷ đồng, chỉ đạt 90,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 191.516,038 tỷ đồng, đạt 89,49% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (214.200 tỷ đồng). Bao gồm, vốn trong nước là 158.287,872 tỷ đồng, đạt 88,33% kế hoạch; vốn nước ngoài là 33.228,166 tỷ đồng, đạt 95,48% kế hoạch.

Vốn cân đối ngân sách địa phương là 315.487,195 tỷ đồng, đạt 103,74% kế hoạch vốn Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao (518.105,895 tỷ đồng).

 

Như vậy, kế hoạch vốn chưa được triển khai phân bổ chi tiết là 51.015,655 tỷ đồng, chiếm 9,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, vốn trong nước là 49.443,821 tỷ đồng, vốn ngoài nước là 1.571,834 tỷ đồng.

Cụ thể: số vốn chưa phân bổ các bộ, cơ quan trung ương là 15.239,345 tỷ đồng, chiếm 13,78% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (vốn trong nước là 14.904,676 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 334,669 tỷ đồng).

Số vốn các địa phương chưa phân bổ là 35.776,310 tỷ đồng, chiếm 8,78% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (trong đó: vốn trong nước là 34.539.145 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 1.237,165 tý đồng).

Bộ Tài chính chỉ rõ, có 19/51 Bộ và 20/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong đó, Bộ Tài chính chỉ đích danh một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao trên 50% như Thanh tra Chính phủ 84,92%; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 84,38%; Bộ Thông tin và Truyền Thông 79,21%; Bộ Y tế 60,31%.

Nguồn: Bộ Tài chính.
Nguồn: Bộ Tài chính.

Lý giải nguyên nhân kế hoạch vốn chưa được triển khai phân bổ chi tiết còn hơn 50.000 tỷ đồng, Bộ Tài chính cho hay, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn dự kiến bố trí cho các dự án khởi công mới chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư hoặc chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Đối với nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, có 37/63 địa phương giao kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương tăng so với Thủ tướng Chính phủ giao từ nguồn thu sử dụng đất, nguồn tăng thu, nguồn xổ số kiến thiết của địa phương.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ Tài chính, vẫn còn 17/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương. Nguyên nhân là do một số địa phương mới giao kế hoạch đợt 1, một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư và nguồn bội chi sẽ được phần bổ sau.

Qua quá trình thực hiện việc kiểm tra, rà soát việc phân bổ kế hoạch vốn của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Tài chính có văn bản gửi các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương rà soát, điều chỉnh hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh đối với các trường hợp phân bổ kế hoạch vốn chưa đúng quy định.

Đồng thời, tổng hợp các vấn đề còn tồn tại trong công tác phân bổ chi tiết kế hoạch vốn và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

CÓ 29 ĐƠN VỊ CHƯA GIẢI NGÂN ĐỒNG VỐN NÀO

Cập nhật tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/3 là 61.602,05 tỷ đồng, đạt 11,01% kế hoạch.

Cụ thể, về giải ngân vốn kế hoạch các năm trước kéo dài sang năm 2022, ước thanh toán từ đầu năm đến 31/3 là 65,97 tỷ đồng, đạt 3,84% kế hoạch.

Về giải ngân vốn kế hoạch năm 2022, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/3 là 61.536,08 tỷ đồng, đạt 11,03% kế hoạch và đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021, với tỷ lệ lần lượt là đạt 11,95% kế hoạch và đạt 13,17% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong đó, vốn trong nước là 61.192,76 tỷ đồng, đạt 11,70% kế hoạch và đạt 12,66% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Vốn nước ngoài là 343,32 tỷ đồng, đạt 0,99% kế hoạch.

Nhận xét tình hình giải ngân kế hoạch 2022, Bộ Tài chính nêu rõ, tỷ lệ ước giải ngân 3 tháng đầu năm 2022 đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (13,17%).

Trong đó, vốn trong nước đạt 12,66% (cùng kỳ năm 2021 đạt 14,74%). Vốn nước ngoài đạt 0,99% (cùng kỳ năm 2021 đạt 0,66%).  

Bộ Tài chính cũng điểm danh 4 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, đạt trên 20% gồm Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (47,24%), Thái Bình (33,9%), Ngân hàng nhà nước Việt Nam (32,09%), Bộ Xây dựng (29,14%), Lai Châu (28,8%).

 

Tuy nhiên, có tới 46/51 bộ và 29/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân chung của cả nước, trong đó, thậm chí có 29 đơn vị chưa giải ngân kế hoạch vốn như Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội...

Thông tin thêm về tình hình thực hiện các dự án trọng điểm, dẫn thông tin từ Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính cho biết, thứ nhất, dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư là 22.856 tỷ đồng, tổng lũy kế vốn bố trí đến năm 2021 là 22.855,035 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2018 là 4.500 tỷ đồng, năm 2019 là 6.990 tỷ đồng, năm 2020 là 6.705,035 tỷ đồng, năm 2021 là 4.660 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, đến thời điểm báo cáo, dự án giải ngân là 14.699.340 tỷ đồng, đạt 64,32% kế hoạch giao, trong đó, kế hoạch năm 2021 giải ngân là 2.195.348 tỷ đồng, đạt 47,11% kế hoạch.

Thứ hai, dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông.

Với giai đoạn 2017 – 2020, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, đến thời điểm báo cáo, dự án giải ngân được 1.506,648 tỷ đồng, đạt 8,9% kế hoạch năm 2022, tương ứng 16.865,645 tỷ đồng.

Báo cáo Bộ Giao thông vận tải cho thấy, công tác giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành, tuy nhiên vẫn còn các tồn tại, vướng mắc như một số hộ dân kiến nghị về bồi thường, hỗ trợ, chưa nhận đất tái định cư; một số mồ, mả chưa di dời;....

Khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại gồm 0,102km chưa bàn giao mặt bằng, 01 khu tái định cư thuộc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt trên địa bàn tỉnh Nghệ An; hạ tầng kỹ thuật còn 201 vị trí đường điện, 7.121m đường ống nước và 11.398 cáp viễn thông chưa di dời.  

"Cập nhật tình hình triển khai và tiến độ thực hiện các dự án thành phần, hiện nay, 01 dự án hoàn thành, 10 dự án đang triển khai thi công xây dựng. Lũy kế khối lượng xây lắp hoàn thành đến nay khoảng 31,1% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 1,41%", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.

Có 08 dự án đáp ứng và cơ bản đáp ứng tiến độ gồm: Mai Sơn – Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn ; Nghi Sơn - Diễn Châu; Cam Lộ - La Sơn; Nha Trang - Cam Lâm ; Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Phan Thiết - Dầu Giây và Cầu Mỹ Thuận 2.

Còn lại 02 dự án chậm so với kế hoạch, một là, Diễn Châu - Bãi Vọt triển khai theo hình thức BOT, lũy kế sản lượng đạt 1,81%, chậm 6,79% so với kế hoạch.

Nguyên nhân chậm tiến độ do yếu kém trong công tác quản lý, điều hành của doanh nghiệp dự án, chậm trễ trong công tác lựa chọn nhà thầu. Các nhà thầu cũng chậm trễ huy động nhân sự, máy móc, thiết bị để triển khai thi công

Hai là, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết có lũy kế sản lượng đạt 28,41%, chậm 8,89% so với kế hoạch điều chỉnh. Nguyên nhân chậm do thiếu nguồn vật liệu đất đắp nền và sự chủ quan từ phía các nhà thầu chậm tiến độ.

Với giai đoạn 2021 – 2025, hiện dự án được Bộ Giao thông vận tải giao 257 tỷ đồng kế hoạch năm 2022 để chuẩn bị đầu tư 12 dự án thành phần.

Theo báo cáo của Kho bạc nhà nước, đến thời điểm báo cáo, dự án giải ngân được 9,528 tỷ đồng, đạt 3,7% kế hoạch được giao. Nguyên nhân giải ngân chậm là do ngày 21/02, dự án mới được giao kế hoạch trung hạn.

Đến nay việc triển khai dự án cơ bản đang bám sát theo kế hoạch, tuy nhiên, khối lượng công việc còn lại phải hoàn thành để đảm bảo đủ điều kiện phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án còn rất lớn, cần có sự triển khai quyết liệt, có hiệu quả của các cơ quan, đơn vị.

SẼ CẮT GIẢM NẾU CHƯA PHÂN BỔ HẾT KẾ HOẠCH VỐN 

Đánh giá chung về giải ngân kế hoạch vốn năm 2022, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn 2 tháng và ước 3 tháng đầu năm 2022 đạt thấp, Bộ Tài chính cho rằng, tại Quyết định số 2048/QĐ-TTg ngày 6/12/2021, Thủ tướng Chính phủ giao 100% kế hoạch vốn năm 2022 cho các bộ, ngành trung ương và địa phương. Sau đó, ngày 21/2, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 236/QĐ-TTg về việc giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đợt 2.

Hiện nay, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương vẫn đang tiếp tục triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao.

Bên cạnh đó, 3 tháng đầu năm các chủ đầu tư đang tập trung hoàn chỉnh hồ sơ để thanh toán, đồng thời các dự án khởi công mới đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện công tác đấu thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng. 

Đối với vốn nước ngoài, các dự án đang triển khai đàm phán với đối tác và triển khai lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, lựa chọn đối tác nước ngoài... nên chưa giải ngân kế hoạch vốn được giao.

Để đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân nguồn vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại công văn số 1684 ngày 17/3/2022 của Văn phòng Chính phủ.

"Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án xử lý phù hợp theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công đối với những trường hợp chưa hoàn thành phân bổ, giao chỉ tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 theo quy định tại các Quyết định số 2048/QĐ-TTg và Quyết định số 97/QĐ-TTg ngày 06/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ", Bộ Tài chính đề nghị.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu đến ngày 31/3, nếu bộ, cơ quan, địa phương nào chưa phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2022 được giao thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương tổng hợp, đề xuất điều chuyển vốn cho các dự án, các bộ, cơ quan, địa phương khác, đồng thời phê bình, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu và các tập thể, cá nhân có liên quan...

Các chuyên gia kinh tế cũng mong đợi đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, sớm thực thi các gói hỗ trợ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh diễn biến địa chính trị quốc tế phức tạp tác động đến nền kinh tế toàn cầu như hiện nay.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate