“Với đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, chỉ nghe để biết thì không nên, Quốc hội không thể dửng dưng nghe xong rồi thôi”.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Ksor Phước đã phát biểu như vậy tại phiên họp sáng 5/5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi đã sau khá nhiều ý kiến nhưng việc Quốc hội có ra nghị quyết về đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế sẽ được Chính phủ trình tại kỳ họp tới đây hay không vẫn chưa đi đến thống nhất.
Theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp Quốc hội thứ ba khai mạc vào 21/5, phiên thảo luận toàn thể về đề án sẽ được truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi. Bởi đây được xác định là vấn đề rất quan trọng, nói như Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, "là trọng tâm của các vấn đề trọng tâm".
Điều hành phần thảo luận về nội dung chuẩn bị kỳ họp Quốc hội thứ ba, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gợi ý về hình thức văn bản sau khi Quốc hội thảo luận không nên là nghị quyết mà nên "tổng hợp ý kiến" để Chính phủ tham khảo.
Tuy nhiên, cả hai lần phát biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đều nghiêng về phương án ra nghị quyết để khẳng định sự tán thành của Quốc hội với đề án và làm cơ sở giám sát việc thực hiện sau này.
Cho rằng cần phải ra nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý còn đề nghị Quốc hội cũng cần quan tâm cả đến các đề án thành phần, nhất là phần liên quan đến ngân sách dành cho tái cơ cấu kinh tế, tránh tình trạng "đã thông qua đề án tổng thể rồi sau cứ thế mà làm".
Quan điểm của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước là vấn đề lớn như đề án tái cơ cấu kinh tế nếu đã trình bày trước Quốc hội thì Quốc hội phải có thái độ, thảo luận cả đề án và báo cáo thẩm tra đề án. "Với vấn đề về kinh tế xã hội thì ra nghị quyết, còn nghị quyết nói thế nào là việc khác, chỉ nghe để biết thì không nên, không thể dửng dưng nghe xong rồi thôi, thảo luận để biết thế thôi", ông nói.
Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm được Quốc hội thông qua đã xác định tái cơ cấu kinh tế là một giải pháp, nên để Chính phủ xây dựng phương án, báo cáo Quốc hội để Quốc hội tham góp thêm, trên cơ sở đó Chỉnh phủ hoàn chỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển có ý kiến khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, chưa đủ điều kiện để Quốc hội có thể ra nghị quyết về đề án này, còn việc thảo luận và truyền hình trực tiếp để toàn dân biết là cần thiết.
"Phê" đề án của Chính phủ còn chung chung, chưa có gì cụ thể, khó có thể đạt đến tầm cải tổ nền kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng "nếu Chính phủ chuẩn bị tốt, đánh giá đầy đủ tác động thì Quốc hội ra nghị quyết là tốt, còn đề án hiện nay ra nghị quyết thì non".
Thêm một lần phát biểu, Chủ nhiệm Phan Trung Lý quả quyết, cần phải có nghị quyết. "Các nước còn ra luật về tái cơ cấu, ta phải có thái độ chứ không thể nghe rồi để đó, nếu chưa đủ điều kiện để ra nghị quyết thì yêu cầu Chính phủ trình ra kỳ họp sau hoặc trình ủy ban Thường vụ Quốc hội", ông Lý kiên trì quan điểm.
Nhận xét "anh Lý nói thế cũng đúng, anh Ksor Phước nói cũng phải", song Chủ tịch Quốc hội nói rằng, không có nghị quyết không có nghĩa là "Quốc hội thả lỏng". Đề án là việc đại sự thì Chính phủ báo cáo Quốc hội, Quốc hội thảo luận cho ý kiến, sau đó đại biểu Quốc hội còn báo cáo với cử tri.
Cho rằng "tranh luận thì nhiều lý lẽ", Chủ tịch nhấn lại rằng những vấn đề chung và quan trọng nhất về đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế đã được thể hiện ở nghị quyết về kế hoạch phát triển knh tế, xã hội 5 năm. "Tôi cho thế là đủ rồi, miễn là đóng góp ý kiến thật tốt, tập hợp được trí tuệ của 500 đại biểu, sau đó sẽ làm thông báo kết luận về thảo luận rồi gửi cho Chính phủ, mong các đồng chí đồng tình ", Chủ tịch kết thúc phiên thảo luận.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate