February 13, 2021 | 08:32 GMT+7

Để cải cách môi trường kinh doanh thực sự khơi thông nguồn lực mới

Hương Loan

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, thách thức quan trọng với Việt Nam trong thời gian tới chính là tăng cường chất lượng thực thi các nền tảng, đạo luật đã được xác lập

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Gần 100 văn bản chính sách của các bộ, ngành được ban hành, một loạt các đạo luật lớn được sửa đổi... nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhanh chóng khắc phục khó khăn và khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid- 19. 

Ông Đậu Anh Tuấn nhận định, thách thức quan trọng với Việt Nam trong thời gian tới chính là tăng cường chất lượng thực thi các nền tảng, đạo luật đã được xác lập. Ngày 1/1/2021 các đạo luật này đã có hiệu lực nhưng hiện tại nhiều văn bản hướng dẫn vẫn chưa được ban hành, chưa được thông qua, chưa có hiệu lực trên thực tế, điều này tạo ra độ trễ trong thực thi. 

Năm 2020, chúng ta đã tiến hành sửa đổi một số luật liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Ông đánh giá thế nào về tác động của những thay đổi này tới hoạt động của doanh nghiệp trong năm 2021?

Dưới góc nhìn của tôi, năm 2020, Nhà nước và Chính phủ đã đi được một bước tương đối dài cho việc xác lập thể chế theo hướng thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Rất nhiều đạo luật lớn được sửa đổi trong năm 2020 như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công-tư... với tinh thần chung là khơi thông nguồn lực cho quá trình phát triển, tức là nguồn lực từ đầu tư tư nhân. 

Luật Doanh nghiệp sửa đổi theo hướng hàng rào gia nhập thị trường hạ thấp xuống, thủ tục đăng ký kinh doanh thực hiện trên nền tảng internet thuận lợi hơn. Luật Đầu tư cũng theo hướng thuận lợi hơn về thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, phân cấp nhiều hơn, thủ tục hành chính đơn giản hơn để các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn ra đầu tư, kinh doanh. Luật Đầu tư cũng theo hướng gỡ bỏ sự chồng chéo giữa các luật để làm sao thủ tục liên quan tới đất đai, xây dựng, môi trường cũng thuận lợi hơn. Luật Xây dựng cũng trên tinh thần như vậy. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư là luật đầu tiên trong lĩnh vực này cũng với tinh thần tương tự. 

Một trong các mục tiêu quan trọng là muốn thu hút, tăng cường nguồn lực đầu tư tư nhân vào những công trình hạ tầng quan trọng của đất nước như giao thông, cảng biển, công trình năng lượng... Có thể thấy những bước đi về mặt chính sách của Chính phủ đang đi theo hướng là khơi thông thêm nhiều nguồn lực nhằm thúc đẩy sự phát triển của đất nước trong thời gian tới. 

Có thể nói, năm 2020, chúng ta đã tạo lập nền tảng tốt để kinh tế Việt Nam có thể bứt tốc vào năm 2021 và những năm sắp tới. Nhiệm vụ của năm 2021 và những năm tới là phải thực hiện tốt các chính sách đã được thông qua này, có nghĩa là với các đạo luật trên được xây dựng với tinh thần như vậy thì các nghị định hướng dẫn, thực hiện sau này cũng phải đúng tinh thần như thế. Đơn cử như Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư tương đối mở, như vậy thì các nghị định hướng dẫn luật hay cơ chế tài chính cho những dự án theo hình thức PPP cũng phải theo đúng tinh thần này. 

Dù các văn bản pháp luật đã được sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn vẫn còn rất xa, điều này cản trở doanh nghiệp phát triển. Theo ông, làm thế nào để thu hẹp khoảng cách này?

Tôi cho rằng, thách thức quan trọng với Việt Nam trong thời gian tới chính là tăng cường chất lượng thực thi các nền tảng, đạo luật đã được xác lập. Ngày 1/1/2021 các đạo luật này đã có hiệu lực nhưng hiện tại nhiều văn bản hướng dẫn vẫn chưa được ban hành, chưa được thông qua, chưa có hiệu lực trên thực tế, điều này tạo ra độ trễ trong thực thi. Đây cũng không phải là vấn đề quá ngạc nhiên, quá mới trong quá trình xây dựng luật ở Việt Nam. Mặc dù thời hạn có hiệu lực của luật từ 1 năm hay từ 6 tháng nhưng quá trình ban hành văn hướng dẫn không được nhanh như kỳ vọng. 

Sự chậm chạp này gây trục trặc về mặt thực thi trong vài tháng đầu. Nên tôi muốn nhấn mạnh, vai trò của Chính phủ, của các bộ, ngành liên quan cần phải đẩy nhanh tiến trình này, ban hành đủ văn bản hướng dẫn thực thi. Bởi rất nhiều chính sách theo cách tiếp cận tương đối mới chắc chắn tạo ra sự lúng túng của các cơ quan thực thi trên thực tế. Do vậy, phải có chương trình hướng dẫn, thúc đẩy thực thi, tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn đầu thực hiện các văn bản pháp luật này. 

Theo tôi, điểm quan trọng trong thời gian tới là làm sao phải đưa được tinh thần tốt đẹp được ghi nhận tại các đạo luật vào thực tiễn một cách nhanh nhất và doanh nghiệp phải là người thụ hưởng trên thực tế những lợi ích từ việc thay đổi chính sách này. Chứ nếu chỉ có luật tốt, các văn bản hướng dẫn chưa tốt, quá trình thực thi lúng túng, khó khăn thì rõ ràng tinh thần tốt của đạo luật bị giảm nhiều.

Nhiều dự báo cho thấy năm 2021 vẫn là năm kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn và Việt Nam không là ngoại lệ. Vậy theo ông, đòn bẩy giải pháp từ các chính sách của Chính phủ cần thế nào để doanh nghiệp thực sự đón nhận được?

Năm 2020 là thời kỳ khắc nghiệt với hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp.  Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất sâu rộng, lâu dài tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Và tác động không chỉ trong phạm vi Việt Nam mà trên toàn thế giới. Rất nhiều ngành đối mặt với khó khăn chưa từng xảy ra, nên vai trò của Chính phủ, vai trò của các chính sách trong hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch là vô cùng quan trọng. 

Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp cũng đánh giá rất cao vai trò của Chính phủ trong việc kịp thời đưa ra các chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Rất nhiều chính sách tạo ra tác động tích cực trên thực tế, tuy nhiên cũng có một số chính sách mức độ truyền tải vào thực tế còn khó. Khả năng doanh nghiệp, người lao động tiếp cận được các gói hỗ trợ còn ít.

Năm 2021, những khó khăn của đại dịch chưa qua, thậm chí với nhiều doanh nghiệp thời điểm khó khăn nhất với họ chưa đến nên việc duy trì các chính sách hỗ trợ là thực sự cần thiết. Hiện nay một số chính sách miễn giảm các loại phí đã kéo dài đến hết tháng 6/2021 – đây là tín hiệu rất tốt. Hy vọng các chính sách khác như thuế, đất đai, tín dụng cũng cần được hỗ trợ cho doanh nghiệp trong năm 2021. 

Điều quan trọng, từ bài học của việc hỗ trợ doanh nghiệp năm 2020 thì chương trình hỗ trợ năm 2021 cần thực tế hơn, đến với doanh nghiệp nhiều hơn. Suy cho cùng, để đánh giá một chính sách thành công phải xem xét tới mức độ thụ hưởng của doanh nghiệp trên thực tế chứ không phải việc công bố tại các văn bản, hội thảo, diễn đàn. Chính sách hiện nay chúng ta đã có đầy đủ chẳng hạn tháng 4/2020 ngay trong giai đoạn dịch Covid, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11, sau đó rất nhiều bộ, ngành đã đưa ra những nhóm chính sách cụ thể. 

Tuy nhiên, có chính sách đi vào thực tiễn ngay, có chính sách tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được rất ít, hiếm hoi nên cần có sự điều chỉnh nhanh. Đặc biệt, với những chính sách mà tất cả các doanh nghiệp đều được thụ hưởng như cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, Nhà nước không cần quá nhiều nguồn lực, không phải bỏ quá nhiều tiền mà lại hỗ trợ được doanh nghiệp rất nhanh thì cần được đẩy mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate