March 14, 2013 | 07:57 GMT+7

“Để dân phúc quyết, Hiến pháp sẽ đi vào lịch sử”

Nguyễn Lê

Nhiều đại biểu chưa hài lòng với cách tiếp nhận góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Các đại biểu Quốc hội chuyên trách góp ý sửa Hiến pháp - Ảnh: LN<br>
Các đại biểu Quốc hội chuyên trách góp ý sửa Hiến pháp - Ảnh: LN<br>
Đăng đàn đầu tiên tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 13/3 góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường đề nghị Quốc hội hãy tin tưởng vào sự lựa chọn, phúc quyết của nhân dân.

“Nếu được như vậy thì bản Hiến pháp này sẽ đi vào lịch sử”, bà Khánh nói.

Nữ đại biểu này cũng cho biết, vừa qua bà đã chủ động hỏi ý kiến nhân dân về một số nội dung cụ thể trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Kết quả cho thấy người dân đã trả lời nghiêm túc các nội dung được hỏi.

Đừng làm dân hoang mang

Sau khi nghe quan điểm tiếp thu các ý kiến góp ý qua 2,5 tháng lấy ý kiến nhân dân của Ban biên tập, nhiều vị đại biểu bày tỏ sự đồng tình với việc hiến định vai trò của Đảng. Tuy nhiên cần làm rõ sự đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng tại Hiến pháp mới.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng muốn giữ vai trò lãnh đạo của Đảng thì nhất thiết phải bổ sung quy định về tăng cường giáo dục chinh trị tư tưởng đạo đức và xây dựng tổ chức cho Đảng.

Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) thì tốt nhất là nên giữ nguyên nội dung điều 4 như Hiến pháp hiện hành, vì “càng thêm càng thiếu”. Dự thảo bổ sung nội dung “chịu sự giám sát của nhân dân” song lại không nêu rõ cách thức giám sát, nên trong hầu hết các cuộc thảo luận, người dân đều xoáy vào chất vấn về vấn đề này. Hay quy định mới “đảng viên phải thực hiện theo Hiến pháp và pháp luật”, cũng tạo ra sự phân biệt với các công dân khác, ông Thường phát biểu.

Liên quan đến một số ý kiến cho rằng nên bỏ điều 4 trong quá trình góp ý vừa qua, một số vị đại biểu "phàn nàn" sự phản ứng thái quá về việc này đã gây cho người dân tâm lý hoài nghi cho rằng Nhà nước chưa tin dân.

Đại biểu Phạm Xuân Thường phản ánh, đi tiếp xúc cử tri và triển khai lấy ý kiến dân về Hiến pháp sửa đổi thì thấy rất ít nơi đề xuất bỏ điều 4 Hiến pháp. Thế nhưng chính việc một số cơ quan thông tấn chính thống gần đây liên tục phát thanh, truyền hình về sự cần thiết phải giữ điều 4, vô hình trung đã tạo ra một sự nhìn nhận không bình thường trong dư luận.

Còn đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng phàn nàn về phương pháp tiếp nhận ý kiến góp ý của dân, vì người phản đối điều 4 rất ít. Song nhiều phương tiện thông tin truyền thông dành khá nhiều thời lượng để xoáy vào sự cần thiết của điều này, khiến “dân hoang mang cho rằng chả lẽ lực lượng chống đối nhiều ghê gớm đến thế”.

Cách tiếp nhận ý kiến như vậy vô tình đã biến điều bình thường trở thành bất bình thường, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cùng chung quan điểm.

Quá trình lấy ý kiến dân, mọi quan điểm khác nhau là bình thường, theo đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị). “Những người dân mà chúng tôi có dịp tiếp xúc thì hầu như họ không quan tâm đến các luồng ý kiến khác nhau đang tranh cãi. Họ chỉ quan tâm đến các vấn đề liên quan đến bản thân họ mà thôi”, ông Châu phát biểu.

“Cái quan trọng lại làm qua loa”

Bên cạnh điều 4, nhiều nội dung khác tại dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng được mổ xẻ, phân tích. Hầu hết các ý kiến đều gặp nhau ở đề nghị cần viết lại lời nói đầu cho ngắn gọn và súc tích hơn.

Đi vào những vấn đề cụ thể khác, đại biểu Trần Du Lịch nhận xét, lần sửa đổi này cái quan trọng nhất có thể làm được thì lại làm qua loa, ngược lại có cái không cần thiết lại xới ra.

Theo ý kiến của ông, Hiến pháp không ở riêng nước nào, cũng đều có tính bảo thủ nhất định, vì thế một số quy định hiện hành nếu không gây cản trở cho thực tiễn thì không nên xới ra, vì “xới ra đã không hay hơn mà còn gây tranh luận”.

Còn nội dung quan trọng đang gây nhiều bức xúc trên thực tế mà có dư địa để giải quyết khi sửa Hiến pháp, theo đại biểu Lịch là quy định về chính quyền địa phương thì lại làm qua loa. Quan điểm của ông là không nhất thiết phân chia các cấp chính quyền như hiện nay mà dưới Quốc gia có thể có hai cấp tỉnh, thành và cấp cơ sở, cấp này sẽ do luật định mà không cần hiến định.

Đã là cấp chính quyền thì phải có cơ quan dân cử, cái gì cấp cơ sở làm được thì cấp trên không làm, còn như luật hiện nay thì không thể làm được gì cả, nhất là cứ quản ngân sách như hiện tại thì không thể nào tái cơ cấu được đầu tư công. Sau nhấn mạnh này ông Lịch nhận sẽ biên tập lại quy định về chính quyền địa phương tại dự thảo Hiến pháp sửa đổi.

Đã có cấp chính quyền thì phải có hội đồng nhân dân, đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) đồng tình.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate