Nhiều năm nay, Việt Nam đã rất chú ý đầu tư cho việc dạy, học tiếng Anh trong hệ thống giáo dục từ phổ thông đến đại học. Tuy nhiên, qua kết quả của các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) môn tiếng Anh cũng như trong thực tế tuyển dụng kỹ năng tiếng Anh của sinh viên khi ra trường, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cần phải thay đổi cách dạy, học tiếng Anh hiện nay.
PHỔ ĐIỂM DẠNG “YÊN NGỰA” HƠI KHÁC BIỆT
Phổ điểm là một trong những yếu tố quan trọng trong việc đánh giá và phân tích kết quả thi của thí sinh tham gia môn thi hoặc tổ hợp môn thi nào đó. Thông thường, dữ liệu về điểm số của thí sinh sẽ được trình bày dưới dạng biểu đồ, trong đó trục hoành ghi điểm số và trục tung ghi số lượng thí sinh đạt điểm đó.
Để đánh giá kết quả học tập từng môn học của học sinh hay chất lượng của từng cơ sở giáo dục đào tạo, người ta thường quan sát quá trình tổ chức thi, điểm thi từng môn của học sinh đó.
Với môn tiếng Anh cũng vậy, trong vòng 8 năm gần đây (từ năm 2017 đến năm 2024), điểm thi trung bình tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT của học sinh trên cả nước vẫn thấp dù tăng đều đặn nhưng với mức tăng không tương xứng với sự đầu tư của nhà trường, của gia đình cho môn học này.
Đặc biệt, số học sinh có điểm thi dưới trung bình môn này luôn ở mức cao. Cụ thể, năm 2020 là 61,13%; năm 2021 là 40,27% và năm 2022 là 51,56%, năm 2023 là 44,8% và năm 2024 là 42,7%. Không chỉ phán ánh qua điểm thi mà kết quả điểm học bạ môn tiếng Anh ở các trường học vùng nông thôn, miền núi cũng thấp hơn nhiều so với các môn học khác.
Riêng đối với năm 2024, cả nước có hơn 906.000 thí sinh làm bài thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh. Rất nhiều thí sinh đạt 4,6 điểm. Tuy nhiên, vẫn có hơn 565 em đạt điểm 10, cao hơn năm ngoái nhưng không quá nhiều. Đáng lưu ý, có 14 em đạt điểm 0 và 145 em bị điểm liệt.
Theo sự phân tích của các chuyên gia giáo dục, thì phổ điểm môn tiếng Anh năm 2024 có hình dạng “yên ngựa”, khác biệt so với tất cả các phổ điểm hình quả chuông đều của các môn thi khác. Một đỉnh của phổ điểm tiếng Anh ở ngưỡng cao là khoảng 8 điểm, và một đỉnh ở ngưỡng thấp là 4,6 điểm. Nhìn chung, mặc dù có sự khởi sắc nhẹ về kết quả so với những năm trước, thì kết quả môn tiếng Anh vẫn thuộc nhóm thấp so với các môn học khác như Ngữ văn, Vật lý, Hóa học…
Nếu phân tích kỹ thêm về học sinh cư trú theo khu vực thì ở thành thị, các đô thị, khu công nghiệp, kết quả môn thi này càng khác biệt trên phổ điểm. Các tỉnh, thành phố lớn, trọng điểm như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, luôn có số học sinh đạt điểm môn tiếng Anh cao hơn.
Ngoài ra, còn có thêm các địa phương như: Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nam Định, Ninh Bình... cũng có số học sinh đạt điểm trung bình môn tiếng Anh cao.
Điều này lý giải việc các gia đình thường có xu hướng đầu tư cho con học tiếng Anh từ sớm và dài hạn. Các trung tâm tiếng Anh ở các địa phương này cũng quy mô hơn, trang thiết bị hiện đại, phương pháp giảng dạy mới mẻ, giáo viên bản ngữ trình độ cao.
NÊN DẠY, HỌC TIẾNG ANH THEO KIỂU “CANH TÁC”
Những năm qua, chúng ta đã đầu tư khá lớn vào đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” và đề án này đang tiếp tục kéo dài đến năm 2025, nhưng đáng tiếc là kết quả của đề án không như kỳ vọng.
Theo báo cáo khảo sát (của 2 nữ giảng viên đại học) 11 trường đại học đào tạo tiếng Anh chuyên ngành tại Hà Nội được công bố vào cuối năm 2023, nhiều sinh viên khi ra trường không đáp ứng được yêu cầu tiếng Anh của nhà tuyển dụng.
Khảo sát cho thấy, vấn đề đáng lo ngại nhất trong việc dạy tiếng Anh ở các trường đại học ở Việt Nam là sinh viên hầu như thiếu nền tảng tiếng Anh cơ bản và tiếng Anh chuyên ngành. Vấn đề này phần nào liên quan đến kết quả kỳ thi tốt nghiệp môn tiếng Anh. Vậy làm thế nào để học sinh đạt trình độ tiếng Anh đồng đều hơn giữa các địa phương cũng như đảm bảo cho sinh viên có nền tảng tiếng Anh cơ bản?
Theo bà Yulia Tregubova, tiến sỹ ngôn ngữ học, Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV), muốn dạy, học tiếng Anh có hiệu quả cần phải thay đổi tư duy từ học lấy kiến thức để đi thi sang có kiến thức làm nền tảng tiếng Anh cơ bản, lúc đó mới thực sự giúp cho người học vận dụng vào cuộc sống và công việc của mình.
Nhận xét về việc học tiếng Anh hiện nay, bà Yulia Tregubova cho rằng “xu hướng giảng dạy ở các trường trung học tại Việt Nam là thầy và trò chủ yếu tập trung vào luyện đề, làm đề phục vụ cho thi cử.
Trong giáo dục, hiện tượng này được gọi là “negative washback” (tác động ngược tiêu cực), tức là thay vì học để hiểu sâu và phát triển tất cả các kỹ năng thì học sinh có thể chỉ học với mục đích để vượt qua kỳ thi mà thôi. Điều này sẽ dẫn đến việc giảm chất lượng giảng dạy và học tập.
Với hơn 20 năm nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực ngôn ngữ học, TS. Yulia lý giải: “Nếu chỉ học tiếng Anh để đi thi, thì bạn giống như người “đi săn”, chộp giật và ngắn ngày. Tôi khuyến khích học tiếng Anh kiểu “canh tác” (farming) hơn. Đó là đầu tư vào sự phát triển đường dài của học sinh”.
Muốn xây dựng một nền tảng tiếng Anh vững vàng để tiến lên đại học và đi làm, TS. Yulia Tregubova khuyến khích học sinh theo học các chương trình đào tạo toàn diện các kỹ năng tiếng Anh cho các mục tiêu học thuật. Qua đó chuẩn bị cho học sinh tiếp xúc với đa dạng các thể loại bài đọc hiểu, ngữ văn, bối cảnh học thuật mà các em sẽ tiếp xúc trong những năm học đại học, không chỉ tại Việt Nam mà ở bất cứ đâu trên thế giới.
Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) đã rất chú trọng đến vấn đề này và họ xây dựng nên chương trình mang tên UniPath để đào tạo tiếng Anh bao gồm rất nhiều kỹ năng ngoại ngữ như thuyết trình cá nhân và thuyết trình nhóm, thảo luận chuyên sâu, các bài hướng dẫn…
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 33-2024 phát hành ngày 12/08/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam