November 21, 2019 | 10:03 GMT+7

Để hộ kinh doanh "nằm im" hay đưa vào luật?

Nguyễn Lê

Việc có đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) hay không vẫn trái chiều quan điểm

Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc phát biểu tại hội trường.
Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc phát biểu tại hội trường.

Nhiều hộ kinh doanh chấp nhận "nằm im" để kinh doanh an toàn, thực tế  này đã được đại biểu Bùi Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) nêu tại phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), chiều 20/11.

Cũng như phiên thảo luận tổ, việc có đưa hộ kinh doanh vào luật này hay không vẫn trái chiều quan điểm.

Phát biểu đầu tiên, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng việc không đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp đã để lại một hậu quả pháp lý, trong khi quyền và nghĩa vụ của công ty tư nhân của các cá nhân kinh doanh đóng góp chưa đầy 10% GDP được quy định trong Luật Doanh nghiệp, còn quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh nơi sinh kế của hàng chục triệu người đóng góp trên 30% GDP của đất nước mà bản chất cũng chính là doanh nghiệp lại chỉ được chế định trong một nghị định do Chính phủ ban hành.

Theo nghị định này, hộ kinh doanh chỉ được hoạt động trong phạm vi địa phương là quận, huyện nơi đăng ký và bị hàng loạt các hạn chế về quyền kinh doanh. Điều này trái với nguyên tắc Hiến định là việc hạn chế quyền tự do kinh doanh của công dân chỉ có thể được quy định trong văn bản do Quốc hội ban hành.

Ông Lộc khẳng định, đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp là phù hợp với bản chất kinh tế và pháp lý của hộ kinh doanh và cũng là bảo đảm quyền bình đẳng của hộ kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp khác.

"Cũng cần lưu ý rằng, phát triển doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ mà hộ kinh doanh và các cá nhân kinh doanh là hình thức phổ biến nhất đang được cả thế giới quan tâm và cả thế giới đang rất nhấn mạnh đến doanh nghiệp siêu nhỏ chứ không phải doanh nghiệp nhỏ và vừa như trước đây nữa. Đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp vừa bảo đảm tôn trọng tính chất lịch sử đặc thù của kinh tế hộ ở Việt Nam vừa là bước tiến quan trọng, đưa hệ thống pháp luật về doanh nghiệp của nước ta phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế, chấp nhận sự linh hoạt và đa dạng của các mô hình kinh doanh và đáp ứng tốt hơn yêu cầu hội nhập", đại biểu Lộc phát biểu.

Nhưng, đại biểu Thơ có quan điểm khác. Vị đại biểu Hà Tĩnh cho biết, bà đã thực hiện một số cuộc phỏng vấn sâu đối với một số chủ hộ kinh doanh, với hai câu hỏi cơ bản, đó là hoạt động kinh doanh của họ có vướng mắc hay bất cập gì không và có muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp hay không? và câu trả lời hầu như là không.

Đại biểu nhận định, nhiều hộ kinh doanh cá thể không muốn chuyển đổi lên doanh nghiệp nhằm né nghĩa vụ nộp thuế, không ký hợp đồng với các lao động dù biết chuyển đổi lên doanh nghiệp các hộ kinh doanh được nhận nhiều ưu đãi, hỗ trợ hơn. Bên cạnh đó, một số hộ kinh doanh cũng có nguyện vọng làm ăn lớn, mở rộng quy mô kinh doanh chuyên nghiệp hơn nhưng lại chưa được trang bị đầy đủ nhận thức về kỹ năng quản trị trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Điều này khiến các hộ kinh doanh thiếu tự tin chấp nhận nằm im để kinh doanh an toàn.

Đại biểu Thơ đồng ý với báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế, hộ kinh doanh có phạm vi lớn đề nghị đánh giá tác động, cân nhắc nghiên cứu để xây dựng một nghị định riêng về hộ kinh doanh nhằm đảm bảo khuyến khích, quản lý hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất, kinh doanh theo năng lực và tuân thủ pháp luật.

Tranh luận với đại biểu Vũ Tiến Lộc, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) cho rằng nếu đưa 5 điều quy định về hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) như Chính phủ trình thì có chăng chỉ được cái lợi đầu tiên là mở mắt ra hôm trước hôm sau từ 700.000 doanh nghiệp sẽ được 5 triệu doanh nghiệp. Trong khi đó chưa đánh giá được tác động cụ thể qua việc đưa hộ kinh doanh vào trong luật này.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) lại rất nhất trí với đại biểu Lộc. Vì, hiện nay tồn tại 5 triệu hộ kinh doanh, nhưng 3,3 triệu chưa nộp thuế, 1,7 triệu đã nộp thuế, có nguyên nhân từ cơ sở pháp lý chưa đầy đủ.

Ông Thân cho rằng nếu đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp thì tức là đã xác nhận họ là một loại hình doanh nghiệp, họ có địa vị pháp lý và có địa vị trong xã hội kinh doanh. Vì thế, đưa hộ kinh doanh vào luật chính là để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ cho chính họ. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate