Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Công văn số 3008 hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đẩy mạnh truyền thông hưởng ứng Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2023.
Theo đó, hưởng ứng Tháng hành động vì người cao tuổi với chủ đề “Người cao tuổi được phát huy và chăm sóc đầy đủ”, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bảo hiểm xã hội các địa phương thực hiện truyền thông sâu rộng về ý nghĩa, giá trị của việc hưởng lương hưu hằng tháng: Tham gia bảo hiểm xã hội để lúc về già được hưởng lương hưu đảm bảo cuộc sống, và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để được chăm sóc sức khỏe. Lương hưu luôn được Nhà nước quan tâm, điều chỉnh phù hợp để đảm bảo cuộc sống cho người nghỉ hưu.
Chú trọng truyền thông thực tế về các trường hợp người cao tuổi được sống an nhàn có lương hưu để chăm lo cuộc sống và có thẻ bảo hiểm y tế để được chăm sóc sức khỏe khi về già…
Truyền thông về quyền, lợi ích, giá trị nhân văn của các chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình để người dân biết và chuẩn bị tích lũy an sinh cho tuổi già từ khi còn trẻ.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết, chi trả các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người tham gia, đặc biệt là các dịch vụ liên quan đến người cao tuổi như: Cài đặt, sử dụng ứng dụng “VssID – Bảo hiểm xã hội số”; sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; sử dụng tài khoản ngân hàng để nhận lương hưu; vận động các tổ chức, cá nhân chung tay chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi thông qua việc trao tặng thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề nghị Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có chính sách hỗ trợ người cao tuổi tham gia bảo hiểm y tế từ nguồn ngân sách địa phương; đồng thời, huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ trao tặng thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.
Luật Người cao tuổi quy định, người cao tuổi được xác định là từ đủ 60 tuổi trở lên, song chỉ những người từ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng mới được mua thẻ bảo hiểm y tế từ ngân sách nhà nước.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có khoảng trên 12 triệu người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, chiếm 95% tổng số người cao tuổi, như vậy hiện vẫn còn 5% người cao tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế.
Số người cao tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế hầu hết thuộc nhóm từ 60 - 79 tuổi, không thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc không thuộc đối tượng chính sách ưu đãi xã hội. Thậm chí có người cao tuổi dù đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ nhưng vẫn không đủ điều kiện, khả năng tài chính để mua thẻ bảo hiểm y tế.
Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), Việt Nam bắt đầu giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với số người từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% tổng dân số.
Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già từ năm 2036, khi đó, tỷ trọng nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên dự kiến đạt 14,2% tổng dân số. Dự báo, số người cao tuổi của Việt Nam sẽ tăng lên 16,8 triệu người vào năm 2039 và đạt 25,2 triệu người vào năm 2069. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới.
Hiện tuổi thọ trung bình của người Việt là 73,6 tuổi, tuy nhiên trung bình người cao tuổi ở Việt Nam mắc 3 - 4 bệnh. Vì vậy, với việc được cấp thẻ bảo hiểm y tế, người cao tuổi sẽ được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, giảm gánh nặng chi phí khi cần điều trị.