Thay vì hai chỉ tiêu như dự kiến ban đầu, chiều 20/5, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội điều chỉnh bốn chỉ tiêu chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2009.
Bên cạnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP và tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh cả tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu và chỉ số giá tiêu dùng.
Ngoài các chỉ tiêu chủ yếu nêu trên, Chính phủ đề nghị Quốc hội giao Chính phủ điều chỉnh các chỉ tiêu có liên quan khác phù hợp với tình hình và chủ động trong điều hành.
Đề xuất phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, sử dụng nguồn thu sử dụng đất ở địa phương cũng được Bộ trưởng kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng phúc trình bày sau các nội dung trên.
“5% là hết sức khó khăn”
Để tạo điều kiện chủ động trong điều hành, bảo đảm các cân đối kinh tế vĩ mô, Chính phủ trình Quốc hội cho điều chỉnh chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2009 từ khoảng 6,5% xuống khoảng 5%.
Một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, do tăng trưởng kinh tế quý 1 chỉ đạt 3,1% nên mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân cả năm 5% là hết sức khó khăn, thậm chí sẽ đạt ở mức thấp hơn nếu Chính phủ không có những giải pháp tích cực và nền kinh tế thế giới tiếp tục suy thoái sâu hơn.
Đề nghị giảm mạnh nhất là tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu. Chỉ tiêu Quốc hội đề ra là tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2009 là 13%. Thực hiện quý 1/2009 tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt mức tương đương cùng kỳ năm trước. Dự báo khả năng tăng tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2009 khoảng 3-5%. Chính phủ trình Quốc hội cho phép điều chỉnh giảm chỉ tiêu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu năm nay từ 13% xuống 3%.
Về chỉ số giá tiêu dùng, theo chỉ tiêu Quốc hội đã thông qua thì chỉ số tăng giá tiêu dùng năm 2009 dưới 15%. Chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng đầu năm tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, tháng 4 chỉ tăng 1,68% so với tháng 12/2008.
Qua quá trình thực hiện các giải pháp kích cầu, kích thích kinh tế và xu hướng nhích lên của giá cả thế giới cũng tạo ra các yếu tố tác động làm tăng mặt bằng giá trong nước. Vì vậy, để kiểm soát được tình hình không gây ra tái lạm phát, đồng thời bảo đảm thực hiện được các mục tiêu kích thích kinh tế, Chính phủ trình Quốc hội cho phép điều chỉnh tốc độ tăng giá tiêu dùng từ dưới 15% xuống dưới 10% trong năm 2009.
Đề xuất này của Chính phủ nhận được sự đồng tình của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.
Bội chi ngân sách: 7% hay 8%?
Theo tính toán của Chính phủ, dự kiến thu ngân sách Nhà nước năm 2009 giảm khoảng 29.000 - 63.000 tỷ đồng so với dự toán.
Để đảm bảo tổng dự toán chi ngân sách Nhà nước, Chính phủ dự kiến mức bội chi ngân sách Nhà nước năm 2009 có thể phải điều chỉnh tăng lên theo sự tăng giảm của giá dầu thô.
Trường hợp giá dầu thô đạt 40 USD/thùng (giảm 30 USD/thùng so với dự toán), bội chi Ngân sách Nhà nước là 150.300 tỷ đồng (8,3% GDP), tăng 63.000 tỷ đồng so với dự toán; mức dư nợ vay Chính phủ là 39,1% GDP.
Do đó, Chính phủ trình Quốc hội cho phép nâng mức bội chi NSNN năm 2009 tối đa khoảng 8%GDP, tuỳ theo biến động của giá dầu thô thế giới. Trong quá trình điều hành, Chính phủ phấn đấu giảm bội chi ngân sách Nhà nước đến mức thấp nhất, trong phạm vi Quốc hội cho phép, giảm dần bội chi ngân sách Nhà nước để trong vòng 5 năm (2009-2013) bình quân ở mức 5% GDP. Bảo đảm dư nợ Chính phủ trong giới hạn an toàn cho phép.
Đa số ý kiến trong Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Quốc hội quyết định mức bội chi ngân sách Nhà nước năm 2009 không vượt quá 7% GDP.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị do sự biến động của giá dầu phức tạp và khó lường, có khả năng phá vỡ cân đối ngân sách, vì vậy bội chi ngân sách được điều chỉnh ở mức không vượt quá 8% GDP tùy vào sự biến động của giá dầu thô để tạo điều kiện cho Chính phủ xử lý linh hoạt bội chi theo sự thay đổi của giá dầu.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ phải xử lý đồng bộ chính sách tài chính, tiền tệ, khắc phục tình trạng nguồn thu ngân sách giảm sút, nhưng chi ngân sách Nhà nước lại tăng rất mạnh, rất nhanh, khó quản lý.
Đặc biệt là trong điều kiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ nới lỏng, chạy đua tăng lãi suất, CPI có dấu hiệu tăng trở lại, lượng tiền trong lưu thông tăng cao trong thời gian ngắn có thể dẫn đến nguy cơ lạm phát quay trở lại.
Không thể điều chỉnh nguồn thu sử dụng đất
Để bổ sung thêm nguồn kích cầu đầu tư, tăng thêm nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, Chính phủ trình Quốc hội cho phép bổ sung thêm 20.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong năm 2009.
Riêng miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, Chính phủ vẫn đề xuất nguyên phương án đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 20, mặc dù cơ quan thẩm tra đã chỉ ra nhiều điều “chưa hợp lý”.
Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội cho phép các địa phương có nguồn thu tiền sử dụng đất khá được sử dụng tối đa 30% số thu tiền sử dụng đất để thực hiện các nhiệm vụ chi thường xuyên trong năm 2009.
Việc sử dụng cụ thể, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân trước khi thực hiện và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất.
Cơ quan thẩm tra cho rằng, theo quy định của pháp luật, thu sử dụng đất là nguồn thu của cấp ngân sách địa phương (ngân sách địa phương được hưởng 100%) sử dụng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương.
Vì vậy, đa số ý kiến trong Uỷ ban Tài chính - Ngân sách không tán thành với đề nghị của Chính phủ việc sử dụng tối đa 30% số thu tiền sử dụng đất để chi thường xuyên. Mặt khác, số thu cấp quyền sử dụng đất đã được hội đồng nhân dân các cấp quyết định trong dự toán ngân sách hàng năm, không thể điều chỉnh được.
Cũng có ý kiến đề nghị cho phép sử dụng tối đa 30% số tiền sử dụng đất để chi thường xuyên, giúp địa phương bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chi trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate