May 15, 2014 | 16:36 GMT+7

Đề nghị giảm áp lực tăng nợ công và vay đảo nợ

Nguyễn Lê

Trong điều kiện hụt thu ngân sách Trung ương, việc Chính phủ đề nghị tăng chi lớn so với dự toán là không hợp lý

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến ngày 31/12/2013, dư nợ công bằng 
53,3% GDP, dư nợ Chính phủ bằng 41,5% GDP, dư nợ ngoài nước bằng 37,2% 
GDP.
Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến ngày 31/12/2013, dư nợ công bằng 53,3% GDP, dư nợ Chính phủ bằng 41,5% GDP, dư nợ ngoài nước bằng 37,2% GDP.
Ủy ban Tài chính -  Ngân sách, tại phiên họp sáng 15/5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại thêm một lần đề nghị cần giữ nghiêm kỷ luật tài chính, xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý thu, chi ngân sách nhà nước và rà soát lại nợ công.

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến ngày 31/12/2013, dư nợ công bằng 53,3% GDP, dư nợ Chính phủ bằng 41,5% GDP, dư nợ ngoài nước bằng 37,2% GDP. Và như thường lệ, Chính phủ khẳng định đây là tỷ lệ trong giới hạn đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Chính phủ cũng cho biết, hiệu quả sử dụng vốn vay có tiến bộ, các dự án, công trình đầu tư bằng nguồn vốn vay được lựa chọn kỹ hơn, được tập trung thực hiện để giải ngân vốn nhanh và sớm hoàn thành đưa vào hoạt động, vừa đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế, vừa nhanh chóng thu hồi vốn.

Năm 2013 Chính phủ chi trả nợ và viện trợ 105 nghìn tỷ đồng, bằng dự toán và số đã báo cáo Quốc hội, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ nợ đến hạn theo cam kết.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng cần rà soát lại các khoản nợ của ngân sách nhà nước để đề xuất phương án xử lý với lộ trình hợp lý, giảm áp lực tăng nợ công, giảm thiểu vay đảo nợ.

Với tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước 2013, quan điểm của Ủy ban Tài chính – Ngân sách khá cứng rắn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trên cơ sở dự báo số hụt thu cân đối ngân sách Trung ương so với dự toán khoảng 47,2 nghìn tỷ đồng, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội điều chỉnh tỷ lệ bội chi từ mức 4,8% GDP dự toán tăng lên mức 5,3% GDP thực hiện, tương ứng tăng thêm 33,5 nghìn tỷ đồng so với dự toán.

Đến nay, với kết quả thu cân đối ngân sách Trung ương năm 2013 đã được cải thiện so với báo cáo Quốc hội, nhu cầu bù đắp hụt thu ngân sách về nguyên tắc cũng giảm tương ứng, qua đó giảm bội chi ngân sách.

Cụ thể, trường hợp nâng mức bội chi ngân sách nhà nước bằng số giảm thu ngân sách Trung ương (21,56 nghìn tỷ đồng) thì số bội chi sẽ là 183,56 nghìn tỷ đồng, bằng 5,12% GDP thực hiện, giảm 0,18% so với tỷ lệ tối đa Quốc hội cho phép.

Song, Chính phủ kiến nghị cho phép điều hành bội chi năm 2013 ở mức 190,25 nghìn tỷ đồng (giảm 5,25 nghìn tỷ đồng so với mức Quốc hội cho phép), tương đương 5,3% GDP thực hiện thực tế, bằng 5,15% GDP ước thực hiện khi báo cáo Quốc hội. Bởi điều kiện kinh tế vĩ mô hiện đang ổn định, lạm phát thấp, trong khi nhu cầu tăng chi đầu tư công, xử lý các chính sách an sinh xã hội và chi trả nợ là rất lớn.

Khoản tăng bội chi này được sử dụng để xử lý các nhu cầu chi đầu tư phát triển theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Dũng khẳng định.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển, đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị thực hiện đúng quy định của Hiến pháp: “Các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán và do luật định”

Theo đó, Quốc hội chỉ cho phép điều chỉnh tăng mức bội chi ngân sách nhà nước “căn cứ số hụt thu thực tế của ngân sách trung ương năm 2013”. Do đó, chỉ đồng ý tăng bội chi tương ứng với phần hụt thu ngân sách trung ương là 21.560 tỷ đồng, thấp hơn so với mức Chính phủ trình.

Điều này là hợp lý trong bối cảnh cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, nợ công đang tăng cao, Chủ nhiệm Hiển phân tích.

Cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh, trong điều kiện hụt thu ngân sách Trung ương, việc Chính phủ đề nghị tăng chi lớn so với dự toán là không hợp lý. Nhiều khoản chi vượt dự toán được giao cũng được chỉ rõ là chi đầu tư phát triển tăng 22,4%, chi thường xuyên tăng 2,7%.

Đề nghị Chính phủ rà soát lại các khoản chi ngoài dự toán, cân nhắc lựa chọn một số nhiệm vụ chi thật cần thiết, cấp bách để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung, bảo đảm giữ nghiêm kỷ luật tài khóan, báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate