August 17, 2022 | 19:10 GMT+7

Đề nghị Hải Phòng không thu phí hàng hoá vận tải bằng đường thuỷ nội địa

Khởi Anh -

Với các doanh nghiệp, việc nộp phí hạ tầng cảng biển gây nhiều khó khăn cho sản xuất, xuất nhập khẩu và dịch vụ liên quan có hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng, làm tăng chi phí logistics đang ở mức cao...

Bộ Tài chính đề nghị Hải Phòng không thu phí hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa
Bộ Tài chính đề nghị Hải Phòng không thu phí hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa

Bộ Tài chính vừa có công văn số 8058/BTC-CST gửi UBND thành phố Hải Phòng về phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển.

Theo đó, Bộ Tài chính cho biết công văn số 4732/VPCP-CN của Văn phòng Chính phủ gửi kèm công văn số 650/UBTCNS15 của Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; trong đó nêu kiến nghị của các Hiệp hội doanh nghiệp đối với việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu của thành phố Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh như sau: “Kiến nghị không thu phí đối với hàng hoá vận tải bằng đường thuỷ nội địa”.

Trước đó, từ tháng 7/2022, 5 hiệp hội doanh nghiệp đã gửi văn bản tới HĐND TP Hải Phòng với nội dung kiến nghị không thu phí hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng phương tiện thủy sử dụng đường thủy nội địa để giảm gánh nặng chi phí cho các doanh nghiệp.

5 hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến vận tải đường thủy nội địa đưa ra kiến nghị trên bao gồm Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam (VISABA), Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam (VNSC), Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam và Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam (VSA).

Theo các hiệp hội doanh nghiệp nói trên, năm 2016, Hải Phòng đã có nghị quyết quy định về phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng.

Giai đoạn 2017-2021, khoản thu phí phương thức vận tải thủy nội địa của Hải Phòng chỉ dao động từ 59 – 66 tỷ đồng. Số thu này chiếm tỷ lệ nhỏ so với nguồn thu trung bình hàng năm của Hải Phòng.

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp, việc nộp phí này cũng gây nhiều khó khăn cho sản xuất, xuất nhập khẩu và dịch vụ liên quan có hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng, làm tăng chi phí logistics đang ở mức cao.

 

Việc thu phí hạ tầng cảng biển của TP Hồ Chí Minh chính thức diễn ra từ 0h ngày 1.4.2022, mức phí thấp nhất 15.000 đồng cho mỗi tấn hàng không đóng trong container (hàng xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TPHCM); cao nhất 4,4 triệu đồng mỗi container loại 40 feet (hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, chuyển khẩu).

Theo Bộ Tài chính, ngày 7/7 vừa qua, Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh cũng đã thông qua Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND sau khi nhận được Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, cơ quan.

Theo đó, TP Hồ Chí Minh sửa đổi các quy định về đối tượng và phạm vi áp dụng, miễn, giảm phí, điều chỉnh mức thu phí mà cụ thể là giảm mức thu từ ngày 1/8. Thành phố miễn thu phí với các loại hàng: nhập khẩu phục vụ trực tiếp an ninh, quốc phòng; đảm bảo an sinh, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; gửi kho ngoại quan; quá cảnh; ra vào cảng bằng các tuyến đường thuỷ theo Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Campuchia về vận tải đường thủy.

Đồng thời giảm 50% mức phí với hàng tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái nhập, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu được vận chuyển vào cảng và rời cảng bằng đường thủy nội địa.

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị UBND thành phố Hải Phòng nghiên cứu các kiến nghị của các Hiệp hội doanh nghiệp, ý kiến của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, kinh nghiệm xử lý của Thành phố Hồ Chí Minh và có phương án xử lý kiến nghị phù hợp, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate