Đây là một trong những nội dung được Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhấn mạnh ngày 29/8 trong công văn gửi Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh, thành phố về việc đề nghị tiếp tục phối hợp chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, năm 2023, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu dùng và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm. Trong nước, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, nhiều lao động nghỉ việc, giãn việc, gây áp lực lớn tới hệ thống an sinh xã hội.
Tình trạng doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể chưa tham gia hoặc tham gia chưa đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động, tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn diễn ra; người hưởng bảo hiểm xã hội một lần gia tăng gây áp lực lớn cho việc mở rộng, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Tính đến hết ngày 31/7/2023, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt trên 36%, bảo hiểm thất nghiệp hơn 30% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 92,3% dân số.
Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp lần lượt đạt khoảng 45%, 35% lực lượng lao động trong độ tuổi, trên 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế, khắc phục hiệu quả tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội và các hành vi trục lợi khác, hạn chế việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần, Ban Cán sự đảng Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm đến vấn đề này.
Trong đó, tập trung vào nội dung đưa chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào Nghị quyết của từng cấp ủy các cấp và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương. Coi việc hoàn thành chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là tiêu chí để xem xét khen thưởng, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp.
Cùng với đó, thực hiện tốt việc chia sẻ, cung cấp thông tin về khai trình lao động của doanh nghiệp, kê khai, quyết toán thuế thu nhập cá nhân của các cơ quan quản lý về lao động, thuế, kế hoạch đầu tư... với cơ quan Bảo hiểm xã hội.
Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình sử dụng lao động, việc làm, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại các đơn vị sử dụng lao động, nhất là đơn vị sử dụng nhiều lao động, nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, phát hiện, ngăn chặn gian lận, trục lợi, chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với đơn vị sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ 3 tháng trở lên; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Chỉ đạo các cơ quan liên quan tập hợp hồ sơ, tài liệu chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý đối với các hành vi gian lận, trốn đóng, trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề nghị các địa phương không khen thưởng, vinh danh, không xem xét hồ sơ tham gia đấu thầu các dự án đầu tư công đối với đơn vị sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Công khai rộng rãi các đơn vị trốn đóng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Các địa phương cũng cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh, cải cách hành chính trong khâu đón tiếp bệnh nhân, đẩy mạnh việc sử dụng căn cước công dân có gắn chíp, sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng Bảo hiểm xã hội số (VssID); thực hiện đúng quy trình, quy định việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội; sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Giải pháp nữa là xem xét, bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình cho người dân, nhất là số người mới thoát nghèo, vùng dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo,... có hoàn cảnh khó khăn nhằm mở rộng và duy trì người tham gia.