December 06, 2023 | 15:34 GMT+7

Đề nghị Lào tạo điều kiện tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc

Phúc Minh -

Dự Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội Lào - Việt Nam lần thứ 8, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị phía Lào tiếp tục tạo điều kiện tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại các dự án đầu tư, công trình xây dựng tại nước này...

Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào Bay Kham Khat Thi Nha và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung ký kết hợp tác giữa hai Bộ giai đoạn 2023-2025. Ảnh - MOLISA.
Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào Bay Kham Khat Thi Nha và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung ký kết hợp tác giữa hai Bộ giai đoạn 2023-2025. Ảnh - MOLISA.

Theo thông tin từ Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ngày 5/12/2023, tại thành phố Luông Pha Băng, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội Lào - Việt Nam lần thứ 8.

Hội nghị do bà Bay Kham Khat Thi Nha, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung đồng chủ trì.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết hội nghị Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội Lào - Việt Nam lần thứ 8 diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ truyền thống, hữu nghị, hợp tác giữa hai Đảng, hai Chính phủ và Nhân dân hai nước ngày càng được củng cố, và chuẩn bị cho Kỳ họp lần thứ 46 Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào, quan hệ hợp tác giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào nói riêng ngày càng gắn bó và phát triển.

Tại Hội nghị, hai Bộ trưởng ghi nhận và đánh giá cao báo cáo kết quả Hội nghị Quan chức cao cấp về lao động và phúc lợi xã hội được tổ chức ngày 4/12 với nhiều nội dung chia sẻ rất thiết thực về các chính sách/chương trình phát triển kỹ năng nghề để đáp ứng thị trường lao động, thúc đẩy việc làm cho lao động và vấn đề quản lý lao động nước ngoài tại hai nước.

Hai bên cũng đánh giá cao kết quả chuyển đổi số trong lĩnh vực lao động, xã hội; các chính sách đối với đối tượng bảo trợ xã hội, người khuyết tật, trẻ em tự kỷ, người cao tuổi và kinh nghiệm trong xây dựng, vận hành các Quỹ như Quỹ Bảo trợ xã hội, Quỹ Bảo trợ trẻ em, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và việc vận động các nguồn lực xã hội.

Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội Lào - Việt Nam lần thứ 8. Ảnh - MOLISA.
Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội Lào - Việt Nam lần thứ 8. Ảnh - MOLISA.

Năm 2023, ghi dấu mốc 10 năm thực hiện Hiệp định Hợp tác lao động giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào.

Quan hệ hợp tác về lao động, xã hội giữa hai nước không chỉ triển khai tốt giữa các cơ quan Trung ương, mà còn được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả giữa các địa phương hai nước, nhất là các tỉnh có chung đường biên giới.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị phía Lào tiếp tục tạo điều kiện tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại các dự án đầu tư, công trình xây dựng tại Lào.

Hai Bộ trưởng thống nhất trong thời gian tới, hai bên tiếp tục chú trọng thực hiện các nội dung của Hiệp định, tăng cường tổ chức các cuộc họp kỹ thuật về những nội dung cụ thể để có thể trao đổi kỹ hơn, phục vụ cho công tác xây dựng luật pháp và chính sách của hai nước.

Các đơn vị hai Bộ, các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy việc huy động nguồn lực nhằm tăng cường phát triển nguồn nhân lực đáp ứng theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng giao các đơn vị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đặc biệt là Vụ Hợp tác quốc tế, điều phối các hoạt động hỗ trợ cho Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào trong năm Lào đảm nhận Chủ tịch ASEAN 2024.

Trong lĩnh vực phúc lợi xã hội, hai bên cùng chia sẻ kinh nghiệm về bảo hiểm xã hội, về lĩnh vực chăm sóc người có công hai nước.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cảm ơn nỗ lực, hợp tác chặt chẽ của Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội và các cơ quan liên quan của Lào trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào trong thời kỳ chiến tranh.

Trong thời gian tới, hai Bộ trưởng khẳng định sẽ đa dạng hóa và mở rộng hợp tác giữa hai nước trong công tác bảo trợ xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, hỗ trợ người khuyết tật, người cao tuổi...

Với những kết quả đạt được, Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội Việt Nam - Lào lần thứ 8 đánh dấu những nỗ lực đáng kể về hợp tác trong lĩnh vực lao động và phúc lợi xã hội của hai nước nói chung và quan hệ giữa hai Bộ nói riêng.

Đặc biệt ghi dấu mốc 10 năm thực hiện Hiệp định Hợp tác lao động giữa Chính phủ hai nước, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, truyền thống và đoàn kết đặc biệt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước.

Kết thúc Hội nghị, hai Bộ trưởng ký kết Biên bản Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội Lào - Việt Nam lần thứ 8, trong đó tập trung vào các nội dung cụ thể để triển khai kế hoạch hợp tác giai đoạn 2023-2025.

 

Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam đã trao tặng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào các tài liệu bao gồm: Các Bộ tiêu chuẩn Kỹ năng nghề Quốc gia; các Bộ đề thi đánh giá cấp Chứng chỉ Kỹ năng nghề Quốc gia và Chương trình Bồi dưỡng cấp thẻ đánh giá viên Kỹ năng nghề cho Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào.

Đây là bộ 3 tài liệu cốt lõi trong công tác phát triển kỹ năng nghề nhằm tiến tới đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động theo hướng vừa chuẩn hóa, chuyên môn hóa, vừa cơ bản, linh hoạt liên ngành, liên nghề và hội nhập quốc tế.

Đây cũng là bộ 3 tài liệu nền tảng của hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ở Việt Nam  theo nhu cầu của hoạt động, sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong thời kỳ mới.

Các tài liệu này đều được xây dựng, chỉnh sửa theo quy định mới của Luật Việc làm do các Hội đồng chuyên môn thực hiện, trong đó, thành phần tham gia chủ yếu là đại diện của các đơn vị sử dụng lao động.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate