Ngày 26/11, Quốc hội nghe Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo tóm tắt Công tác thi hành án năm 2024.
Theo đó, tổng số việc phải thi hành là 1.023.131 việc, có điều kiện thi hành là 741.240 việc. Đã thi hành xong 621.568 việc (tăng 45.901 việc so với năm 2023), đạt tỉ lệ 83,86%.
TÍNH ĐẾN 30/9/2024, CÒN 206.090 NGƯỜI CÓ ÁN PHẠT TÙ
Đặc biệt, tổng số tiền phải thi hành là trên 500 nghìn tỷ đồng, có điều kiện thi hành trên 228 nghìn tỷ đồng. Đã thi hành xong trên 117 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 27 nghìn tỷ đồng so với năm 2023), đạt tỉ lệ 51,46%;
Trong đó, đã thi hành xong 6.252 việc, thu được hơn 30 nghìn tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng.
Đối với các khoản bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng đã thi hành xong 9.211 việc, thu được trên 22 nghìn tỷ đồng. Đã tiếp 7.359 lượt công dân; tiếp nhận 12.486 đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị. Đã giải quyết xong 2.398 việc thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 96,65%.
Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Trong đó, việc xử lý vật chứng, tài sản để thi hành án trong một số vụ việc còn chậm.
Một số vụ việc thi hành án tham nhũng, kinh tế có số lượng đương sự lớn, tài sản phải xử lý nhiều, ở nhiều địa phương khác nhau, tính chất pháp lý phức tạp làm phát sinh khối lượng công việc rất lớn, trong khi đó nguồn nhân lực để thực hiện không đủ, dẫn đến quá tải. Số đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về thi hành án dân sự vẫn còn nhiều.
Nguyên nhân là do số việc và tiền thụ lý mới tăng cao so với các năm trước. Một số quy định pháp luật còn chưa phù hợp với thực tiễn, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục kê biên, xử lý tài sản bảo đảm để thi hành án...
Về kết quả thi hành án hành chính, các cơ hành chính nhà nước đã thi hành xong 896 bản án, quyết định (tăng 314 so với năm 2023).
Mặt khác, toàn quốc hiện có 207 Văn phòng Thừa phát lại (tăng 13 Văn phòng so với năm 2023). Các Văn phòng Thừa phát lại đã tống đạt được 747.909 văn bản, lập 113.940 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 04 việc, thụ lý tổ chức thi hành án 01 vụ việc, đạt doanh thu trên 203 tỷ đồng.
Về công tác thi hành án phạt tù, tính đến ngày 30/9/2024, còn 206.090 người có án phạt tù. Các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ đã tiếp nhận, phân loại và quản lý đối với 88.680 phạm nhân đến chấp hành án. Tổng số người chấp hành án hình sự tại cộng đồng là 72.964 người.
TĂNG CƯỜNG KIỂM SÁT QUÁ TRÌNH THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
Chính phủ đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm chỉ đạo, thể chế hoá các quy định của Đảng vào hệ thống pháp luật, đặc biệt là các nội dung tại Quy định 183-QĐ/TW ngày 18/9/2024 của Bộ Chính trị, các định hướng về công tác thi hành án tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Chỉ đạo việc hoàn thiện thể chế, pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính và các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật của các cơ quan thi hành án, nhất là việc xây dựng ban hành Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) đảm bảo chất lượng, tiến độ đã đề ra.
Chỉ đạo rà soát, tổng kết để sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Thi hành án hành chính năm 2015, theo hướng mở rộng đối tượng tham gia tố tụng; thời hạn cung cấp tài liệu, chứng cứ; thời hạn tự nguyện thi hành án... cho phù hợp với thực tiễn.
Chỉ đạo các cơ quan chức năng có biện pháp phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến đất quản lý, sử dụng an ninh tại trại giam...
Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp tiếp tục phối hợp có hiệu quả với cơ quan Thi hành án dân sự; kịp thời giải quyết các yêu cầu đính chính, giải thích bản án và các kiến nghị của cơ quan Thi hành án dân sự theo quy định, cung cấp hồ sơ tài liệu vụ việc; thụ lý yêu cầu phân chia tài sản chung của đương sự trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế...
Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân các cấp tăng cường kiểm sát quá trình tổ chức thi hành án; tăng cường thực hiện, hướng dẫn thực hiện tương trợ tư pháp trong hình sự ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử, bảo đảm kịp thời thu hồi tài sản phạm tội tẩu tán ở nước ngoài.
Đồng thời kiểm sát hoạt động của Thừa phát lại. Phối hợp với cơ quan chức năng kiên quyết lập hồ sơ xử lý nghiêm các đối tượng trốn tránh, chây ỳ, chống đối việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án.
Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để hướng dẫn giải quyết những vướng mắc phát sinh trong tổ chức thi hành án tử hình, thi hành án hình sự tại cộng đồng.