May 20, 2010 | 14:45 GMT+7

Để tránh mua nhầm xe tai nạn: Kiểm tra kỹ thân vỏ

Khánh Huyền

Một số lời khuyên hữu ích để tránh mua nhầm phải ôtô cũ đã từng bị tai nạn

Kiểm tra kỹ thân vỏ khi mua xe cũ. Ảnh: Bobi
Kiểm tra kỹ thân vỏ khi mua xe cũ. Ảnh: Bobi
Từ lâu, ôtô đã qua sử dụng vẫn là lựa chọn ưu tiên của không ít người. Tuy nhiên, chất lượng xe là vấn đề ai cũng lo ngại, nhất là khi không có những người nắm rõ kỹ thuật và giàu kinh nghiệm để giúp đánh giá xe. Vậy làm thế nào để tự mình kiểm tra xem xe có lỗi hoặc đã từng "dính" tai nạn hay chưa?

Không nên mua xe đã bị tai nạn, đặc biệt là những xe đâm ở đầu xe. Đó là lời khuyên đầu tiên đối với những người đang có ý định mua xe đã qua sử dụng. Lý do đưa ra là những cửa hàng tu sửa thường dùng các vật liệu rẻ tiền chứ không phải phụ tùng chính hãng để thay thế. Những chiếc xe như vậy thường hỏng hệ thống điều hòa, lệch thước lái, hỏng bánh lái,… và sau này rất hay gặp trục trặc. Do vậy, độ ổn định của xe sẽ bị giảm đi nhiều so với trước khi tai nạn.

Dưới đây, VnEconomy xin chia sẻ các bước kiểm tra thân vỏ để tránh mua phải xe đã bị tai nạn:

1.    Hỏi chủ xe xem xe đã từng bị tai nạn chưa. Tuy nhiên trên thực tế sẽ khó có ai trả lời thật câu hỏi này. Vì vậy, hãy tự kiểm tra chứ không nên nghe những gì người ta nói cho bạn. Xe đã bị sửa những gì? Sẽ không thành vấn đề nếu đó là những sửa chữa tại nắp xe, cửa xe… nhưng cần tránh xa những chiếc xe bị chảy dầu hoặc đã từng hư hỏng nặng, xe bị rỉ sét đã được sơn lại (những vết rỉ sét sẽ nhanh chóng xuất hiện trở lại trong quá trình sử dụng).

2.    Đề nghị chủ xe đem xe đi rửa trước khi kiểm tra để nhìn rõ hơn. Quan sát dọc thân xe, nhìn nghiêng theo chiều dọc xe và quan sát kỹ ánh sáng phản chiếu trên đó. Nếu ánh sáng phản chiếu trên chiếc xe đều thì chiếc xe có thể chưa từng bị tì vết và chăm sóc tốt. Tuy nhiên, nếu ánh sáng phản chiếu không đều, chỗ sáng chỗ tối, chứng tỏ một số bộ phận trên xe đã bị sơn lại. Nếu khu vực nghi là hư hại không quá lớn và không ảnh hưởng lắm thì bạn vẫn có thể cân nhắc mua hay không. Thêm vào đó, bạn có thêm lí do để mặc cả giá xe xuống bớt một chút.

3.    Kiểm tra tất cả những kẽ hở giữa nắp xe, cửa xe, nắp capo và thùng xe. Tất cả các khe hở này phải như nhau theo toàn bộ chiều dài xe. Nếu khe hở tại cửa xe ở trên rộng còn ở dưới lại nhỏ hơn thì có thể chiếc xe đã từng bị va quệt. Nếu các khe hở ở bên quá nhỏ hoặc quá lớn thì hãy so sánh với cạnh bên kia của xe. Chú ý là các khe hở này phải có cùng độ lớn. Nếu như các kẽ hở chêch lệch nhau quá nhiều thì chắc chắn chiếc xe đã "dính" tai nạn.

4.    Tìm kiếm những vết rạn giữa lớp sơn nguyên bản và lớp sơn mới. Khi trên xe có các bộ phận bị sơn lại thì sẽ dễ xuất hiện những lằn nhỏ giữa hai lớp sơn. Hãy cố gắng kiểm tra kỹ càng vì một người thợ dù giỏi tới đâu cũng không thể làm mất hoàn toàn những dấu vết này. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tìm thấy những vết rạn ở một số đường viền hoặc gấp khúc do thợ không đánh giấy ráp kỹ trước khi phun sơn.

5.    Kiểm tra kỹ những vị trí ở sau cửa xe, dưới nắp capô và thùng xe xem có vết rạn, nứt hoặc vết sơn mới.

6.    Kiểm tra chốt của nắp capô và chốt cửa xe. Nếu chốt bị méo, lệch, chứng tỏ nắp capô đã bị sửa chữa lại và nhiều khả năng xe đã bị tai nạn. Khi mở cửa xe, bạn hãy cố kéo cửa xem bản lề của cửa có lung lay hay không. Nếu bản lề hở nhiều, chứng tỏ nó đã bị sử dụng quá nhiều.

7.    Kiểm tra những chỗ rỉ sét, chỗ nào bị gỉ, hãy tập trung kiểm tra kỹ hơn.

* Kỳ tới: Kiểm tra động cơ

Sau các gợi ý về cách kiểm tra thân vỏ, VnEconomy sẽ giới thiệu đến độc giả một số cách kiểm tra động cơ khi mua ôtô đã qua sử dụng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate