Theo dự thảo Đề án, việc nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển thành phố Thanh Hóa xứng tầm đô thị loại I; với vai trò, vị thế là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật của một trong những tỉnh lớn nhất cả nước.
Việc nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa là phù hợp với văn hóa, lịch sử địa phương; là xu thế tất yếu, đáp ứng yêu cầu quản lý đối với quá trình đô thị hóa; góp phần tinh gọn đầu mối tổ chức đơn vị hành chính.
Sau khi nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa sẽ có 26 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 02 thành phố, 02 thị xã và 22 huyện (giảm 01 huyện); 559 đơn vị hành chính cấp xã.
Thành phố Thanh Hóa có diện tích tự nhiên 228,22 km2, quy mô dân số 593.715 người, 48 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm: 37 phường, 11 xã. Trong đó, sẽ thành lập 7 phường thuộc TP. Thanh Hóa, gồm: Thành lập phường Rừng Thông trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 5,96 km2 diện tích tự nhiên, 10.478 người của thị trấn Rừng Thông.
Thành lập phường Hoằng Quang trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 6,30 km2 diện tích tự nhiên, 8.237 người của xã Hoằng Quang. Thành lập phường Hoằng Đại trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 4,67 km2 diện tích tự nhiên, 7.122 người của xã Hoằng Đại.
Thành lập phường Đông Tiến trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 5,18 km2 diện tích tự nhiên, 7.504 người của xã Đông Tiến. Thành lập phường Đông Khê trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 6,51 km2 diện tích tự nhiên, 8.684 người của xã Đông Khê. Thành lập phường Đông Thịnh trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 4,38 km2 diện tích tự nhiên, 7.030 người của xã Đông Thịnh. Thành lập phường Đông Văn trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 6,58 km2 diện tích tự nhiên, 7.081 người của xã Đông Văn.
Ngoài ra, đề án cũng đề xuất lựa chọn 2 phương án tên gọi mới sau sáp nhập là: thành phố Thanh Hóa và thành phố Đông Sơn; đồng thời xây dựng cụ thể các giải pháp về việc sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị cũng như phương án bố trí, sắp xếp nhân sự sau sáp nhập.
Phương án 1 lấy tên là thành phố Thanh Hóa do nhận diện về thành phố Thanh Hóa trong nước và quốc tế đã khá lâu và được nhiều người biết đến, lấy tên này sẽ không gây xáo trộn nhiều về thủ tục hành chính khi sáp nhập.
Phương án 2 là lấy tên thành phố Đông Sơn vì cái tên Đông Sơn gắn với bề dày lịch sử của dân tộc. Trong hàng ngàn năm Đông Sơn luôn là tỉnh lỵ của Thanh Hóa và là 1 trong 4 nền văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam. Thành phố Thanh Hóa hiện nay phần lớn là diện tích cũ của huyện Đông Sơn nhập vào.
Sau khi nghe báo cáo dự thảo đề án, các ý kiến thảo luận tại hội nghị; Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của các sở, ngành đơn vị liên quan trong công tác xây dựng và góp ý vào dự thảo đề án. Tuy nhiên, để đảm bảo về tính pháp lý của đề án, đồng chí giao Giám đốc Sở Nội vụ chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ và Ủy ban pháp luật của Quốc hội cũng như các Bộ, ngành liên quan để xin ý kiến về quy trình việc sáp nhập, tranh thủ sự ủng hộ của các Bộ, ngành liên quan.
Trong đó, đặc biệt chú ý đến các vấn đề về sáp nhập toàn bộ huyện Đông Sơn vào thành phốThanh Hóa trên cơ sở cùng lúc thành lập 7 phường mới như đề án đã đưa ra, hay tổ chức thực hiện 2 đề án độc lập về việc sáp nhập và đề án riêng việc thành lập 7 phường mới. Đối với việc xử lí các đơn vị hành chính sau sáp nhập, đồng chí lưu ý cần xem xét xử lý theo hướng phục vụ tiện ích tối đa của người dân lên trên hết.
Sau khi xin ý kiến về việc sáp nhập của các cấp, ngành Trung ương và địa phương cũng như các ý kiến tại hội nghị lần này; Sở Nội vụ hoàn tất dự thảo đề án, trình UBND tỉnh xem xét trước ngày 15/8 tới.