October 15, 2024 | 07:03 GMT+7

Đề xuất bố trí gần 1.400 tỷ đồng vốn đầu tư công để giải phóng mặt bằng dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài

Thiên Ân -

TP.HCM đã đề xuất bố trí 1.368 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công năm 2025 thuộc vốn ngân sách trung ương để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng dứan cao tốc TP.HCM – Mộc Bài...

Quốc lộ 22 là tuyến độc đạo nối TP.HCM đi Tây Ninh hiện đã quá tải trầm trọng, không bảo đảm an toàn giao thông.
Quốc lộ 22 là tuyến độc đạo nối TP.HCM đi Tây Ninh hiện đã quá tải trầm trọng, không bảo đảm an toàn giao thông.

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM vừa có Văn bản số 13705/SKHĐT-PPP gửi Ủy ban nhân dân TP.HCM đề xuất báo cáo liên bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính bố trí 1.368 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đoạn qua TP.HCM.

Cụ thể, Sở này đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố báo cáo các bộ liên quan giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (nối TP.HCM và Tây Ninh) là 1.368 tỷ đồng nhằm thực hiện dự án thành phần 3 bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn qua TP.HCM.

Dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài có tổng chiều dài 51 km, đi qua địa bàn huyện Củ Chi (TP.HCM) và tỉnh Tây Ninh. Đoạn qua TP.HCM có chiều dài khoảng 24,7 km, phần diện tích cần thu hồi khoảng 182,25 ha với 1.808 trường hợp bị ảnh hưởng; trong đó có 336 trường hợp đủ điều kiện tái định cư. Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho đoạn qua TP.HCM dự kiến khoảng 7.102 tỷ đồng.

Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có điểm đầu kết nối với đường Vành đai 3 TP.HCM qua địa phận huyện Củ Chi (TP.HCM) và điểm cuối giao với quốc lộ 22 tại Km53+850 thuộc địa phận huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh). Công trình được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 120 km/h; quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe; hệ thống công trình trên tuyến, hệ thống giao thông thông minh, hệ thống thu phí,... bảo đảm đồng bộ, hiệu quả theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án vào khoảng 19.617 tỷ đồng; trong đó, phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 9.943 tỷ đồng. Phần vốn nhà nước tham gia vào dự án là 9.674 tỷ đồng; bao gồm ngân sách trung ương 2.872 tỷ đồng và ngân sách TP.HCM 6.802 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ban hành quyết định thu hồi đất, chi trả giai đoạn 1 (đất nông nghiệp và đất ở mà người dân đồng thuận phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng trước hạn) từ tháng 4/2025. Sau thời điểm này sẽ khởi công gói thầu đầu tiên di dời hạ tầng kỹ thuật.

Trước đó, theo Tờ trình số 2447/TTr-UBND ngày 17/7/2024 của Ủy ban nhân dân TP.HCM gửi Thủ tướng Chính phủ, dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài giai đoạn 1 dài 51 km được đề xuất đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư 19.617 tỷ đồng; trong đó phần vốn nhà nước tham gia chiếm 49,31%, được kiến nghị chia thành 4 dự án thành phần và giao cho Ủy ban nhân dân TP.HCM và Tây Ninh làm cơ quan chủ quản.

Phối cảnh tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Ảnh: BQL Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP).
Phối cảnh tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Ảnh: BQL Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP).

Dự án khi hoàn thành sẽ phá thế độc đạo của tuyến quốc lộ 22 nối TP.HCM đi Tây Ninh đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài qua Campuchia và các nước trong ASEAN. Tại Tờ trình này, Ủy ban nhân dân TP.HCM cho biết dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài sau khi hoàn thành sẽ giải quyết được 4 vấn đề:

Một là, chia sẻ lưu lượng xe đi vào tuyến quốc lộ 22, tăng sức cạnh tranh do giảm thời gian di chuyển và tăng năng lực vận chuyển hàng hóa, hành khách đi/đến TP.HCM; giảm nguy cơ mất an toàn giao thông; tăng sức hút về du lịch trong vùng, giảm ô nhiễm môi trường.

Hai là, liên kết giữa các tuyến vành đai TP.HCM gồm Vành đai 3, Vành đai 4 với tỉnh Tây Ninh, nối tiếp tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát trong tương lai, phát huy lợi thế các tuyến cao tốc để phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng; phát triển quỹ đất hai bên tuyến và vùng phụ cận, tạo nguồn lực đầu tư phát triển.

Ba là, phát triển quỹ đất hai bên tuyến và vùng phụ cận, tạo nguồn lực đầu tư phát triển. Và cuối cùng, việc đầu tư tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài góp phần hoàn thiện hệ thống đường bộ theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate