April 10, 2024 | 08:00 GMT+7

Đề xuất cụ thể mức phạt 27 nhóm hành vi vi phạm đất đai

Đỗ Phong -

Với hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất ở tại khu vực nông thôn có thể bị phạt tiền từ 200-250 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 ha trở lên. Còn hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp (không phải là đất ở) tại khu vực nông thôn có thể bị bị phạt tiền từ 100-200 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ trên 05 ha trở lên và tại đô thị mức phạt sẽ bằng 2 lần...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo lấy ý kiến Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. 

Dự thảo Nghị định đã quy định cụ thể 27 nhóm hành vi vi phạm hành chính về đất đai, trong đó bổ sung, làm rõ hơn các hành vi vi phạm đã được quy định trong Luật. 

MỨC XỬ PHẠT CỤ THỂ CÁC HÀNH VI VI PHẠM ĐẤT ĐAI

 Theo dự thảo Nghị định này, với hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất ở tại khu vực nông thôn, nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ dưới 0,01 ha, thì hình thức và mức phạt tiền đề xuất thấp nhất từ 50-80 triệu đồng, còn từ 0,1 ha trở lên, mức phạt sẽ là 200-250 triệu đồng.

Việc chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp (không phải là đất ở) tại khu vực nông thôn, thì hình thức và mức xử phạt tiền từ 100-200 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ trên 5 ha trở lên. Nếu chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp, đất ở tại khu vực đô thị thì hình thức và mức xử phạt bằng 2 lần mức phạt quy định này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngoài phạt tiền, các tổ chức cá nhân buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trừ trường hợp đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử hữu tài sản gắn liền với đất hoặc thuộc trường hợp phải thu hồi đất nhưng được tạm thời sử dụng đất cho đến khi nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 139 Luật Đất đai. Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Đối với hành vi vi phạm sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, mức phạt tiền từ 200-250 triệu đồng, nếu chuyển trái phép từ 0,05 ha trở lên đất rừng là rừng trồng sang đất ở.

 
Chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự án bất động sản không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 45 Luật Đất đai: Phạt tiền từ 100-200 triệu đồng đối với trường hợp không đủ điều kiện theo khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai. Phạt tiền từ 200-500 triệu đồng đối với trường hợp không đủ điều kiện theo khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai và các quy định khác của Luật Kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở.

Dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể và đề xuất quy định mức phạt với hành vi sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất rừng phòng hộ, không phải là đất rừng đặc dụng, không phải là đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;

Sử dụng các loại đất khác sang đất chăn nuôi tập trung khi thực hiện dự án chăn nuôi tập trung có quy mô lớn không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;

Sử dụng đất trong nhóm đất phi nông nghiệp vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm d, đ, e, g khoản 1 Điều 121 của Luật đất đai. Trong đó, hành vi chuyển đất phi nông nghiệp được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang loại đất phi nông nghiệp khác (không phải là đất ở) được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt tiền có thể từ 200- 300 triệu đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 3 ha trở lên. Nếu vi phạm này diễn ra tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 2 lần mức xử phạt đối với từng loại đất và mức phạt tối đa không quá 500 triệu đồng đối với cá nhân, không quá 1 tỷ đồng đối với tổ chức.

Dự thảo cũng quy định các hành vi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa không đúng quy định; sử dụng đất vào mục đích khác thuộc trường hợp phải đăng ký mà không đăng ký theo quy định; Sử dụng đất đa mục đích không đúng quy định; Lấn đất; Chiếm đất; Hủy hoại đất; Cản trở, gây khó khăn cho việc sử dụng đất của người khác; Không đăng ký đất đai;

Đối với trường hợp lấn đất phi nông nghiệp, mức phạt tiền từ 200-500 triệu đồng nếu diện tích đất lấn từ 1 ha trở lên. Trường hợp lấn đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 2 lần mức xử phạt và mức phạt tối đa không quá 500 triệu đồng đối với cá nhân, không quá 1 tỷ đồng đối với tổ chức.

Với trường hợp chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thông từ 1 ha trở lên, mức phạt từ 200-500 triệu đồng. Mức phạt tăng gấn 2 lần nếu vi phạm ở đô thị.

 
27 nhóm hành vi vi phạm hành chính về đất đai quy định theo dự thảo Nghị định:
(1) Sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;
(2) Sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;
(3) Sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất rừng phòng hộ, không phải là đất rừng đặc dụng, không phải là đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;
(4) Sử dụng các loại đất khác sang đất chăn nuôi tập trung khi thực hiện dự án chăn nuôi tập trung có quy mô lớn không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;
(5) Sử dụng đất trong nhóm đất phi nông nghiệp vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm d, đ, e, g khoản 1 Điều 121 của Luật đất đai;
(6) Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa không đúng quy định; sử dụng đất vào mục đích khác thuộc trường hợp phải đăng ký mà không đăng ký theo quy định;
(7) Sử dụng đất đa mục đích không đúng quy định;
(8) Lấn đất;
(9) Chiếm đất;
(10) Hủy hoại đất;
(11) Cản trở, gây khó khăn cho việc sử dụng đất của người khác;
(12) Không đăng ký đất đai;
(13) Chuyển quyền, cho thuê, thế chấp bằng quyền sử dụng đất khi không đủ điều kiện theo quy định;
(14) Chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự án bất động sản không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 45 Luật Đất đai;
(15) Tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp mà không có phương án sử dụng đất theo quy định tại khoản 6 Điều 45 Luật Đất đai;
(16) Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa vượt quá hạn mức theo quy định tại Điều 176 Luật Đất đai mà không thành lập tổ chức kinh tế và không có phương án sử dụng đất trồng lúa;
(17) Nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất vi phạm khoản 8 Điều 45 Luật Đất đai;
(18) Chuyển quyền, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp đối với đất không thuộc trường hợp được chuyển quyền, cho thuê, thế chấp theo quy định của Luật đất đai;
(19) Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế xã hội không đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 127 Luật Đất đai;
(20) Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng quy định;
(21) Không nộp hồ sơ, không cung cấp, cung cấp không đầy đủ giấy tờ để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, nhận chuyển quyền sử dụng đất tại dự án kinh doanh bất động sản;
(22) Không sử dụng đất trồng cây hàng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục;
(23) Không làm thủ tục chuyển sang thuê đất đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 255 Luật Đất đai;
(24) Vi phạm quy định về quản lý chỉ giới sử dụng đất, mốc địa giới hành chính;
(25) Vi phạm quy định về giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất;
(26) Vi phạm quy định về cung cấp thông tin đất đai liên quan đến thanh tra, kiểm tra, thu thập chứng cứ để giải quyết tranh chấp đất đai;
(27) Vi phạm điều kiện về hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực đất đai.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate