Uỷ ban nhân dân liên tỉnh Gia Lai - Bình Định vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất phương án đầu tư dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku theo hình thức đầu tư công.
ĐẦU TƯ CÔNG 143 KM CAO TỐC QUA HAI TỈNH
Tỉnh Gia Lai nằm ở vị trí trung tâm vùng tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch với mục tiêu xây dựng và phát triển là trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Ngoài ra, Gia Lai còn có Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh nằm ở vùng biên giới Việt Nam - Campuchia được xác định là vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Với Bình Định, tỉnh có vị trí quan trọng trong việc kết nối với các quốc gia ở khu vực và quốc tế và là cửa ngõ ra biển Đông gần nhất, thuận lợi nhất của Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Đông Bắc Thái Lan thông qua Cảng biển quốc tế Quy Nhơn. Theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bình Định đang tận dụng tất cả thế mạnh để trở thành một trong những tỉnh phát triển nhóm đầu của khu vực miền Trung, tiến tới tự chủ ngân sách sau năm 2035.
Hiện nay, để kết nối Bình Định với Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung
và các nước bạn chỉ thông qua tuyến Quốc lộ 19. Trong bối cảnh tuyến đường Quốc lộ 19 vẫn còn nhiều điểm khó khăn về yếu tố hình học, thời gian hành trình từ Bình Định đến thành phố Pleiku (Gia Lai) hiện tại khoảng 3,5 - 4 giờ.
Vì vậy, lãnh đạo hai tỉnh cho rằng việc đầu tư tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku theo Quy hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ là hết sức cần thiết.
Cao tốc Quy Nhơn – Pleiku được đề xuất đầu tư theo hình thức đầu tư công với quy mô đầu tư hoàn chỉnh 4 làn xe, bề rộng nền đường là 24,75 m có tổng chiều dài 143,2 km, với tổng mức đầu tư dự kiến 37.653 tỷ đồng.
Theo đó, chủ tịch uỷ ban nhân dân hai tỉnh: Gia Lai, Bình Định đề nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho phép đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku theo hình thức đầu tư công với quy mô đầu tư hoàn chỉnh 4 làn xe, bề rộng nền đường là 24,75 m.
Chiều dài 143,2 km, trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định khoảng 57,6km; qua Gia Lai khoảng 85,6km.
Hướng tuyến đề xuất dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku về cơ bản đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định, Gia Lai thống nhất chủ trương. Điểm đầu tuyến tại nút giao Quốc lộ 19B, ĐT.639 và Đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội nối dài thuộc thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Điểm cuối tại nút giao Đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14), thuộc thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Tổng mức đầu tư dự kiến 37.653 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây lắp khoảng: 27.776 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 3.628 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác và dự phòng khoảng: 6.249 tỷ đồng.
Trong đó, tuyến cao tốc trên phạm vi tỉnh Bình Định có tổng mức đầu tư khoảng 18.280 tỷ đồng (chi phí xây lắp khoảng 13.324 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.958 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác và dự phòng khoảng 2.998 tỷ đồng).
Đoạn trên phạm vi tỉnh Gia Lai có tổng mức đầu tư khoảng 19.373 tỷ đồng (chi phí xây lắp khoảng 14.452 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.669 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác và dự phòng khoảng 3.252 tỷ đồng).
Lãnh đạo hai tỉnh đề nghị giao Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án; UBND mỗi tỉnh tự thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo địa giới hành chính.
Tiến độ thực hiện dự án là chuẩn bị đầu tư năm 2024-2025, triển khai xây dựng cơ bản hoàn thành trước năm 2030.
NHÀ NƯỚC HỖ TRỢ 50% KHÔNG KHẢ THI VỀ PHƯƠNG ÁN TÀI CHÍNH
Trước đó, tại Thông báo số 173/TB-VPCP ngày 15/6/2022 và Thông báo số 59/TB-VPCP ngày 28/2/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao UBND tỉnh Gia Lai chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Bình Định, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và một số đối tác khác nghiên cứu phương án đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, trong đó ưu tiên phương án đầu tư theo phương thức BOT hoặc PPP.
Thực hiện chỉ đạo nói trên, UBND các tỉnh Gia Lai, Bình Định đã làm việc với SCIC về các phương án đầu tư của dự án.
Trường hợp để dự án hiệu quả về tài chính và thời gian thu hồi vốn với các kịch bản khoảng 25 năm, 18 năm và 10 năm, mức vốn của nhà nước cần tham gia hỗ trợ dự án chiếm tỷ lệ từ 76% - 88% tổng mức đầu tư, vì vậy việc đầu tư theo hình thức PPP không hiệu quả, khó khả thi.
Qua tính toán của hai tỉnh, sau khi nghiên cứu phương án đầu tư dự án theo quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP); kết quả nghiên cứu, tính toán sơ bộ phương án tài chính dự án cho thấy, với kịch bản mức vốn hỗ trợ của nhà nước tối đa 50% tổng mức đầu tư theo quy định của Luật PPP, dự án không đảm bảo hiệu quả về tài chính theo quy định.
Việc đưa cao tốc Quy Nhơn - Pleiku vào hoạt động sẽ nâng cao tính cơ động vùng miền, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh, phục vụ tốt cho chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Bình Định, Gia Lai nói riêng, các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và duyên hải Miền Trung nói chung.
Tuyến đường còn giúp kết nối hệ thống các cảng biển của khu vực duyên hải miền Trung với khu vực ngã ba Việt Nam - Lào - Campuchia và các nước Thái Lan, Myanmar, rút ngắn khoảng cách, thời gian di chuyển còn khoảng 1,5 giờ - 2 giờ, cũng là tuyến đường cao tốc ngang trục Đông - Tây kết nối tuyến cao tốc Bắc - Nam đang hình thành, góp phần từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ cao tốc Việt Nam.