Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa có văn bản số 2075/ĐS-VT gửi Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác vận chuyển hàng hóa và hành khách bằng đường sắt do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
"Số lượng vận chuyển hành khách chỉ được 50% phương án số chỗ trên đoàn tàu. Phải vận chuyển thành nhiều chuyến tàu. Chi phí để bố trí phương tiện, nhân lực, vật tư để đón người dân của các địa phương cũng tăng lên, gây lãng phí.
Về công tác vận chuyển hàng hóa, việc ôtô chở hàng lưu thông chậm do phải qua các chốt kiểm dịch của các địa phương nên ảnh hưởng đến việc giải phóng hàng hóa, toa xe tại các ga", Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nêu rõ.
Cụ thể, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị tạo điều kiện thuận lợi cho các Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt trong việc phối hợp tổ chức vận chuyển người dân từ TP. Hồ Chí Minh về các địa phương tránh dịch và công tác vận chuyển hàng hóa được thông suốt đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng.
Thứ nhất, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông vận tải có ý kiến với các Bộ, ngành và các địa phương về công tác vận chuyển hành khách, đối với các đoàn tàu khách chuyên biệt chỉ đón khách tại một điểm đi (ga Sài Gòn) và trả khách tại một điểm đến (ga đến tại địa phương) thì cho phép bán vé không phải giãn cách chỗ trên tàu.
Kiến nghị này áp dụng với các hành khách lên tàu có giấy xét nghiệm Covid – 19 âm tính còn hiệu lực, được chính quyền địa phương nơi đi và nơi đến cho phép di chuyển, về đến địa phương thực hiện cách ly tập trung, thì cho phép bán vé không phải giãn cách chỗ trên tàu.
Thứ hai, về công tác vận chuyển hàng hóa, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị cấp giấy, thẻ nhận diện phương tiện có mã QRCode, luồng xanh cho các xe đi, đến các ga giao nhận hàng, tháo gỡ việc giải phóng hàng tại các ga.
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, khi một số địa phương áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ, các Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt có một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, về công tác vận chuyển hành khách, hiện nay, trên tuyến dường sắt Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh chỉ tổ chức chạy duy nhất 01 đôi tàu khách Thống Nhất SE7/SE8 để phục vụ công tác vận chuyển hành khách, hành lý. Đồng thời, thực hiện bán vé giãn cách và không tổ chức đón hành khách ở các ga tại các địa phương áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Ngoài ra, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện cho người dân từ TP. Hồ Chí Minh về các địa phương nhằm giảm áp lực cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, chính quyền của một số tỉnh, thành phố đề nghị tổ chức chạy các đoàn tàu chuyên biệt để vận chuyển người dân từ TP. Hồ Chí Minh về địa phương.
Các công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt đã phối hợp với các cơ quan địa phương xây dựng biện pháp phòng chống dịch trong quá trình vận chuyển. Trong đó, quy định rõ chỉ những hành khách có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong thời gian không quá 72 giờ mới được lên tàu, khi về đến địa phương phải thực hiện cách ly tập trung theo quy định của địa phương.
6 tháng năm 2021, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đạt doanh thu 1.249 tỷ đồng, bằng 79,4% so với cùng kỳ 2020 và bằng 53,9% so với năm 2019 khi chưa có dịch Covid-19.
Đối mặt mức lỗ dự tính lên đến 940 tỷ đồng, Cục Đường sắt Việt Nam vừa kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm sâu lãi vay, Bộ Tài chính giảm 50% phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt.