Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về mở rộng các tuyến cao tốc quy mô phân kỳ, Bộ Xây dựng đã đề xuất mở rộng 18 dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông. Các dự án này nằm trong mục tiêu 3.000km đến năm 2025, hiện nay còn khoảng 402km đang thi công xây dựng.
Để tránh trùng lặp dự án và hỗ trợ tăng trưởng 8% trở lên năm 2025 và tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026-2030, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ đầu tư bằng hình thức đầu tư công để có thể triển khai mở rộng ngay. Tuy nhiên, mới đây, lãnh đạo Chính phủ có yêu cầu nghiên cứu đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo phương thức PPP.
Lý giải việc mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông theo phương thức PPP phải thực hiện theo dự án mới, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết Luật PPP cũng không cho phép trùng lặp dự án đang triển khai nên việc mở rộng theo hình thức PPP không thể triển khai ngay như phương án đầu tư công.
Do đó, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo hướng đối với 15 dự án đầu tư công, cho phép triển khai thu phí các đoạn tuyến theo Nghị quyết của Quốc hội, Luật Đường bộ. Quá trình thu phí, căn cứ vào tình hình thực tế, triển khai đầu tư mở rộng các đoạn tuyến theo hình thức PPP.
Với 3 dự án PPP đang khai thác, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục làm việc với nhà đầu tư để nghiên cứu phương án đầu tư mở rộng.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng sẽ ưu tiên phương án đầu tư PPP toàn tuyến nếu có nhà đầu tư đủ điều kiện. Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư theo hình thức PPP trong năm 2025.
Sau khi hoàn thành toàn bộ các dự án thành phần trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ triển khai tổ chức thu phí các đoạn tuyến đầu tư công theo Nghị quyết của Quốc hội, quy định của Luật Đường bộ.
Trong quá trình thu phí, Bộ Xây dựng sẽ lựa chọn các nhà đầu tư PPP theo quy định, trong đó ưu tiên đầu tư theo phương án O&M (kinh doanh - quản lý) kết hợp BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên toàn tuyến để đồng bộ, phát huy hiệu quả toàn tuyến.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc mở rộng các tuyến cao tốc hiện hữu đặt ra nhiều yêu cầu kỹ thuật phức tạp, nhất là trong bối cảnh vừa thi công vừa phải duy trì khai thác. Điều này đòi hỏi quá trình tổ chức công trường phải được thiết kế cẩn trọng, đồng thời áp dụng các giải pháp kỹ thuật phù hợp nhằm đảm bảo an toàn và tránh ảnh hưởng đến kết cấu mặt đường hiện trạng.
Về bản chất, hợp đồng BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao) và O&M (Kinh doanh – Quản lý) có những điểm khác biệt rõ ràng. Với O&M, Nhà nước giữ vai trò đầu tư, sau đó lựa chọn nhà đầu tư tư nhân để khai thác và bảo trì công trình. Trong khi đó, BOT cho phép nhà đầu tư tư nhân trực tiếp bỏ vốn xây dựng và vận hành tuyến đường trong thời gian nhất định, trước khi chuyển giao lại cho Nhà nước.
Việc kết hợp hai mô hình này được nhìn nhận là phương án khả thi, vừa đảm bảo sự liên tục trong quản lý – khai thác, vừa phân định rõ trách nhiệm về chất lượng công trình. Cách tiếp cận này cũng giúp hạn chế tình trạng chồng chéo trong quản lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cả cơ quan nhà nước lẫn nhà đầu tư khi tổ chức thực hiện dự án mở rộng.
Trong thời gian qua, Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Sơn Hải và Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) đều có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất xem xét lựa chọn là nhà đầu tư mở rộng Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông.
Cụ thể, Tập đoàn Đèo Cả đề nghị mở rộng gồm 19 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đã và đang đầu tư trong giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025 với tổng chiều dài 1.241km, trên nguyên tắc doanh nghiệp chủ động thu xếp tài chính từ các nguồn vốn hợp pháp trong nước, không sử dụng ngân sách Nhà nước.
Tập đoàn Sơn Hải cũng gửi văn bản đề xuất lãnh đạo Chính phủ, Bộ Xây dựng xem xét, cho phép doanh nghiệp đầu tư mở rộng theo quy mô hoàn chỉnh cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Hoài Nhơn đến Nha Trang bằng 100% vốn nhà đầu tư gồm các đoạn: Hoài Nhơn-Quy Nhơn, Quy Nhơn-Chí Thạnh, Chí Thạnh-Vân Phong, Vân Phong-Nha Trang).
Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành đề xuất tự huy động vốn đầu tư hơn 200km đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông thuộc các đoạn Vũng Áng-Bùng-Vạn Ninh (chiều dài 104km) và đoạn Phan Thiết-Dầu Giây (chiều dài 99km) theo phương thức PPP.
Các nhà đầu tư trên đều bày tỏ cam kết sẽ phối hợp với các nhà đầu tư/nhà thầu khác có năng lực, kinh nghiệm triển khai thành công dự án; không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và chịu mọi chi phí nếu dự án không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.