Ngày 10/7 Hội đồng tỉnh Quảng Ninh đã khai mạc Kỳ họp thứ 14, khóa XIV (kỳ họp thường lệ giữa năm) để thảo luận, quyết nghị một số vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm. Tại phiên thảo luận sáng 11/7, nhiều đại biểu đã kiến nghị hàng loạt giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này.
Theo báo cáo thống kê, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh Quảng Ninh có 1.272 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 12% so cùng kỳ; 280 doanh nghiệp giải thể, tăng 6% so với cùng kỳ; 569 doanh nghiệp, hợp tác xã bỏ địa chỉ kinh doanh. Với số liệu trên cho thấy các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh rời khỏi thị trường ngày một gia tăng.
Trước thực trạng trên, Quảng Ninh đã thành lập tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Phát biểu tại phiên họp, ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, Tổ đại biểu thị xã Đông Triều đề nghị UBND tỉnh xem xét giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh từ 1 đến 2 năm và xem xét lại giá thuê đất, thuê mặt nước, điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay; Đề nghị tỉnh tiếp tục xem xét tăng số lượng hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong công tác chuyển đổi số. Hiện nay tỉnh đã hỗ trợ cho 50 doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngoài ra, ông Phạm Văn Thể cũng đề nghị lãnh đạo UBND Quảng Ninh nghiên cứu cho lập quỹ doanh nghiệp nhỏ và vừa để cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã vay với lãi suất ưu đãi (nhất là các doanh nghiệp khó khăn về vốn để phát triển sản xuất). Vị đại biểu này khẳng định, nếu được thành lập quỹ, đây là nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Tổ đại biểu thành phố Hạ Long, cho biết báo cáo 6 tháng đầu năm 2023 về tình hình phát triển kinh tế xã hội Quảng Ninh cho thấy vẫn còn một số nội dung cần phải quan tâm.
Cụ thể, toàn tỉnh có 1.360 doanh nghiệp được thành lập mới (tăng 5% so với cùng kỳ, đạt 68% kế hoạch), 592 doanh nghiệp hoạt động trở lại (giảm 18% so với cùng kỳ); cùng với đó là 1.272 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 12% so với cùng kỳ), 280 doanh nghiệp giải thể (tăng 6% so với cùng kỳ).
Như vậy, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại là 1.952, tổng số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và giải thể là 1.552 doanh nghiệp. Nếu lấy số doanh nghiệp mới, hoạt động trở lại trừ đi số doanh nghiệp tạm dừng và giải thể thì có nghĩa là trong 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập và hoạt động trở lại mới là 400.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng cho rằng cần phải có những chính sách bền vững để cùng đồng hành và hỗ trợ cho các doanh nghiệp vượt qua được những khó khăn, thách thức của thị trường. Cùng với đó là những giải pháp để kích cầu, tạo động lực cho các doanh nghiệp mới được thành lập để đạt được chỉ tiêu thành lập ít nhất 2.000 doanh nghiệp theo kế hoạch đã đề ra.
Đối với Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi số đến năm 2025, bà Hằng cho biết rất quan tâm đến giải pháp “Ứng dụng hiệu quả công nghệ số, nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh; thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh”. Từ giải pháp này, đại biểu Nguyễn Thị Thúy Hằng đề xuất HĐND tỉnh nên cân nhắc xem xét việc miễn giảm lệ phí khi thực hiện các thủ trực tuyến.