January 16, 2025 | 16:00 GMT+7

Đề xuất phạt đến 2 triệu đồng khi chứa chấp, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Nhật Dương -

Người vi phạm quy định sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có thể bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng, mức phạt sẽ tăng gấp đôi nếu tái phạm, theo đề xuất của Bộ Y tế...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đề xuất được Bộ Y tế nêu khi xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Trong đó, Bộ đề xuất mức phạt đối với hành vi chứa chấp, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

TỶ LỆ SỬ DỤNG THUỐC LÁ ĐIỆN TỬ, THUỐC LÁ NUNG NÓNG TĂNG NHANH

Bộ Y tế cho biết bằng rất nhiều nỗ lực, công sức và kinh phí của nhiều cấp, nhiều ngành và Ủy ban nhân dân các cấp, tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường đã giảm đáng kể.

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm từ 47,4% năm 2010, xuống còn 45,3% năm 2015, và 41,1% năm 2021. Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng đã giảm, trong đó, ở nhóm 13-17 tuổi đã giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019, ở nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5%, xuống còn 1,9%.

Đồng thời, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể cả ở các hộ gia đình, nơi công cộng và nơi làm việc.

Tuy nhiên, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang tăng nhanh, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe tính mạng.

Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020 (PGATS), tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành (15 tuổi trở lên) tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020).

Trong đó, tỷ lệ sử dụng cao nhất tập trung ở nhóm tuổi 15-24, với tỷ lệ là 7,3%, sau đó là các nhóm tuổi 25 - 44 tuổi (3,2%), 45 - 64 tuổi (1,4%).

Qua kết quả điều tra trong những năm qua về tình hình sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng theo các nhóm tuổi, giới tính, cho thấy tỷ lệ sử dụng ngày càng tăng và tăng rất nhanh chóng. Đặc biệt, đã có xu hướng gia tăng sử dụng sản phẩm này gia tăng ở trẻ em gái.

Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 , lên 8% năm 2023. Ở nữ giới tuổi 11-18, cũng theo kết quả sơ bộ của điều tra 11 tỉnh, thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4,3% năm 2023.

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân chủ yếu do thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hấp dẫn và thu hút giới trẻ như hướng đến phong cách sống thời thượng; kiểu dáng, hương vị đa dạng, hấp dẫn (gấu, hộp sữa, đồng hồ đeo tay..).  Thuốc lá điện tử có giá rất rẻ, vài chục nghìn cũng có thể mua được, nên các em dễ dàng sở hữu các sản phẩm này.

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng rất dễ tìm kiếm, việc mua bán dễ dàng diễn ra nhanh chóng, thuận tiện từ các trang mạng xã hội hay các địa điểm bán lẻ, thậm chí có điểm bán gần khu vực trường học.

Các thông tin quảng cáo, tiếp thị của các công ty thuốc lá gây hiểu nhầm cho người sử dụng như có công dụng cai nghiện, giảm phơi nhiễm, giảm hại…, thậm chí sử dụng các thần tượng của giới trẻ để quảng bá các sản phẩm này.

“Đây là điều cực kỳ đáng báo động trong giới trẻ, vì các sản phẩm này ngoài tính chất độc hại, gây bệnh, còn gây nghiện nicotin, và nghiện ma túy do tình trạng “núp bóng” thuốc lá điện tử trộn ma túy, ảnh hưởng cả một thế hệ tương lai của đất nước”, Bộ Y tế nhấn mạnh.

TĂNG GẤP ĐÔI MỨC PHẠT TIỀN NẾU TÁI PHẠM

Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 173/2024/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Tại Nghị quyết có nội dung “Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội…”.

Một loại thuốc lá điện tử. Ảnh: Bộ Y tế.
Một loại thuốc lá điện tử. Ảnh: Bộ Y tế.

Vì vậy, tại Nghị định sửa đổi lần này, Bộ Y tế đề xuất bổ sung một số khái niệm “thuốc lá điện tử”, “thuốc lá nung nóng” và mức phạt, hành vi “chứa chấp”, “sử dụng” thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây tác hại cho sức khỏe con người.

Theo đó, thuốc lá điện tử bao gồm thiết bị điện tử và dung dịch thuốc lá điện tử, được làm nóng khi dùng để tạo ra khí hơi cho người dùng hít vào; có bề ngoài giống sản phẩm thuốc lá điếu hoặc các hình dạng khác, bao gồm loại chứa nicotine hoặc không chứa nicotine, được thiết kế để có thể dùng một lần hoặc tái nạp dung dịch thuốc lá điện tử để dùng nhiều lần.

Thuốc lá nung nóng bao gồm thiết bị điện tử và sản phẩm chứa sợi thuốc lá, bột thuốc lá hoặc các chất liệu khác tẩm nicotine có hình dạng điếu thuốc lá, dạng viên nang hoặc các dạng khác; không đốt cháy trực tiếp như đối với thuốc lá điếu để tạo ra các khí hơi; bao gồm cả sản phẩm lai có chứa dung dịch thuốc lá điện tử.

Hiện chưa có chế tài xử lý hành chính đối với hành vi “chứa chấp” và “sử dụng” thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Do vậy, Bộ Y tế đề xuất phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng đồng đối với hành vi sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Mức phạt sẽ tăng gấp đôi nếu tái phạm.

Ngoài ra, người vi phạm sẽ chịu hình thức xử phạt bổ sung như: Tịch thu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đồng thời, gửi thông báo xử phạt vi phạm hành chính tới cơ quan, tổ chức người vi phạm làm việc, học tập để cơ quan, tổ chức đó xử lý theo quy định, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate