Dự thảo sửa đổi Nghị định 10/2020/NĐ-CP về quản lý hoạt động vận tải bằng ôtô đang được xây dựng, trong đó Bộ đề xuất đơn vị vận tải chỉ được ký hợp đồng với người thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe), mỗi chuyến chỉ được đón, trả khách tại một địa điểm theo hợp đồng.
Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất xe khách hợp đồng mỗi chuyến đi chỉ được đón/trả khách tại một địa điểm đi/đến theo đúng hợp đồng. Xe hợp đồng không được đón, trả khách từ 3 ngày liên tiếp trở lên, hoặc trong 1 tháng có tổng trên 10 ngày đón/trả khách tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc một địa điểm cố định khác.
Về tỷ lệ số chuyến trong tháng xuất phát tại 1 điểm, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra 2 phương án và giảm tần suất chuyến đi tối đa trong 1 tháng tại 1 điểm từ 30% xuống tối đa 10%.
Phương án 1 là trong một tháng, mỗi xe hợp đồng không được thực hiện quá 10% tổng số chuyến có điểm đầu và cuối lặp lại; phạm vi điểm đầu và cuối được xác định theo địa giới hành chính cấp xã/phường. Việc xác định số chuyến xe trong tháng căn cứ theo thông tin thiết bị giám sát hành trình, hợp đồng vận chuyển, hoặc các biện pháp khác.
Phương án 2, cơ bản các quy định như phương án 1, chỉ khác là sửa điểm đầu/cuối được xác định theo địa giới hành chính cấp huyện.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 10/2020/NĐ-CP, bên cạnh kết quả đạt được, các quy định liên quan tới xe du lịch, xe hợp đồng còn bộc lộ bất cập, khó khăn trong xử lý vi phạm, dẫn tới nhiều xe chạy trá hình như xe khách tuyến cố định.
Sở Giao thông Vận tải một số địa phương cũng nêu thực tế, một số quy định đối với loại hình xe hợp đồng, du lịch còn khó xác định trên thực tế để xử lý vi phạm, như việc xác định tỷ lệ số chuyến xuất phát, kết thúc cùng 1 điểm trong 1 tháng.
Hiện nay ở các thành phố lớn có tình trạng xe Limousine đăng ký hoạt động là xe hợp đồng song đón khách như xe tuyến cố định, tạo ra nhiều bến cóc. Những xe này cũng đón trả khách dọc đường gây mất an toàn giao thông.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, các xe hợp đồng “trá hình” xe tuyến cố định tập trung tại Hà Nội và TP.HCM đi các tỉnh trong bán kính dưới 500 km, tổ chức vận chuyển liên tục giữa hai địa phương. Danh sách hành khách chiều đi và về không giống nhau, như Hà Nội - Thái Bình, Hà Nội - Quảng Ninh, Hà Nội - Ninh Bình...
Những xe này đang đón, trả khách tại một số địa điểm cố định trong nội thành mà không có rào cản do quy định hiện hành chưa có chế tài triệt để. Các đơn vị vận tải lại thay đổi điểm đón trả từ phường này sang phường khác hoặc từ quận này sang quận khác để lách quy định.
Do đó, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị siết chặt hoạt động các xe hợp đồng theo hướng quy định tỷ lệ, phạm vi trùng lặp điểm xuất phát, điểm kết thúc tính theo địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng đề xuất quy định đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu nếu có 5 lần vi phạm tốc độ trong một tháng trên quãng đường 1.000 km hoặc trong một ngày có từ ba lần vi phạm tốc độ trở lên (không tính các trường hợp vi phạm dưới 5 km/h).
Nội dung này cũng thay đổi so với quy định hiện hành là xe bị thu hồi phù hiệu khi có 5 lần vi phạm tốc độ trong một tháng trên 1.000 km xe chạy.