Nội dung này được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất trong dự thảo tờ trình gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Đánh giá về quy mô tham gia bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến năm 2020, mới chỉ có gần 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, vẫn còn gần 32 triệu người trong lực lượng lao động trong độ tuổi lao động (khoảng 66,5%) chưa tham gia bảo hiểm xã hội.
Tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam). Trong số đó, chỉ có khoảng trên 3,1 triệu người đang được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng (chiếm 22,1%) tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu.
Nếu tính cả những người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (1,8 triệu người) thì tổng cộng có khoảng gần 5 triệu người (chiếm 35%) được hưởng các khoản trợ cấp hàng tháng.
Như vậy, cho đến nay vẫn còn khoảng 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (chiếm 65%) chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội hoặc tầng an sinh xã hội nào khác. Trong khi đó, mục tiêu Nghị quyết số 28 đặt ra là đến năm 2021 có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu sẽ là một thách thức rất lớn.
Bộ này cho rằng, chính sách bảo hiểm xã hội hiện hành khi mở rộng ra các khu vực kinh tế khác thì chưa phù hợp với nguyên tắc đóng - hưởng và cân đối giữa mức đóng - mức hưởng dẫn đến quỹ hưu trí và tử tuất khó đảm bảo khả năng cân đối trong dài hạn.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bình quân người tham gia bảo hiểm xã hội đóng góp trong 28 năm với tỷ lệ 22% vào quỹ hưu trí và tử tuất, trong khi hưởng lương hưu bình quân 25 năm với tỷ lệ hưởng bình quân 70,1%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ hưởng lương hưu trên số năm đóng góp của Việt Nam hiện nay là khá cao, mức tối đa là 75% cho 35 năm đóng góp đối với nam và 30 năm đóng góp đối với nữ, tương ứng với tỷ lệ tích lũy là 2,14% cho mỗi năm đóng góp đối với nam và 2,5% cho mỗi năm đóng góp đối với nữ.
Cũng theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, chính sách hưu trí hiện hành được thiết kế còn nặng về nguyên tắc đóng - hưởng, nhưng thiếu chú ý đến nguyên tắc chia sẻ giữa người có mức lương cao và mức lương thấp để thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm lao động. Khoảng cách chênh lệch giữa người có mức lương hưu cao nhất và lương hưu thấp nhất hiện nay là tương đối lớn.
Ngoài ra, quy định điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt chẽ dẫn đến số người đang tham gia rời bỏ hệ thống bảo hiểm xã hội trước tuổi nghỉ hưu khá lớn.
Mặt khác, điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần còn khá dễ dàng. Sau một năm không làm việc, không tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động có thể hưởng bảo hiểm xã hội một lần với mức hưởng bằng 1,5 tháng lương cho mỗi năm tham gia bảo hiểm xã hội trước năm 2014 và 2 tháng lương cho mỗi năm tham gia sau đó.
Như vậy, với mức đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 8% tiền lương từ phía người lao động, một năm đóng 0,96 tháng lương thì việc hưởng 2 tháng lương khi nhận bảo hiểm xã hội một lần được xem như là có lãi, cùng với việc phải chờ đợi quá lâu để hưởng hưu trí sẽ khiến người lao động mong muốn được nhận bảo hiểm xã hội một lần để đáp ứng các nhu cầu trước mắt.
Từ những lý do trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất điều chỉnh quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng có lộ trình, tiến tới chỉ giải quyết đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không có nhu cầu đóng tiếp.
Trừ trường hợp ra nước ngoài để định cư hợp pháp hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà có nhu cầu nhận một lần hoặc quy định trường hợp chưa hết tuổi lao động mà nhận bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng thấp hơn.
Đồng thời, sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp.
Điều này nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.