August 10, 2024 | 07:00 GMT+7

Đề xuất sớm cụ thể hóa kế hoạch tuyển sinh năm 2025

Đỗ Như -

Năm 2025, thí sinh sẽ thi tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, với các tổ hợp được thay đổi so với chương trình cũ, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT, mong muốn Bộ Giáo dục Đào tạo sớm cụ thể hóa kế hoạch tuyển sinh...

Đại diện trường đại học tham luận tại hội nghị. Ảnh: MOET.
Đại diện trường đại học tham luận tại hội nghị. Ảnh: MOET.

Ngày 9/8, tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025 đối với khối giáo dục đại học.

Báo cáo kết quả giáo dục đại học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thuỷ cho biết công tác tuyển sinh ngày càng đảm bảo khách quan, công bằng, bình đẳng, thuận tiện hơn cho cả cơ sở đào tạo và thí sinh, giúp tiết kiệm nguồn lực xã hội, đồng thời góp phần đánh giá đúng năng lực của thí sinh vào các ngành đào tạo, ngày càng minh bạch hơn về nguồn tuyển và chất lượng nguồn tuyển.

CHƯA KHẮC PHỤC ĐƯỢC CÁC KHÓ KHĂN DO TUYỂN SINH NHIỀU PHƯƠNG THỨC

Việc thực hiện chuyển đổi số trong toàn hệ thống và ở tất cả các khâu trong tuyển sinh là một điểm sáng, mang lại lợi ích lớn cho người học, thí sinh và người dân, đồng thời giảm chi phí cho toàn xã hội. Quy trình tuyển sinh được cải tiến liên tục, đảm bảo tính khoa học và hiệu quả, từ việc áp dụng công nghệ thông tin đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ thí sinh.

Tuy nhiên, việc các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh theo nhiều phương thức cũng gây khó khăn cho thí sinh trong quá trình lựa chọn; phương thức xét tuyển sớm và sự công bằng, khách quan giữa các phương thức xét tuyển, giữa các cơ sở đào tạo vẫn chưa hoàn toàn được khắc phục trong mùa tuyển sinh năm 2023.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức hiện nay trong hoạt động của giáo dục đại học. Theo đó, chất lượng đào tạo mặc dù đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao và yêu cầu phát triển kinh tế tri thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Đa số cơ sở giáo dục đại học chỉ tập trung chủ yếu vào hoạt động đào tạo, đặc biệt là đào tạo đại học, chưa quan tâm đầu tư thỏa đáng cho đào tạo sau đại học gắn với nghiên cứu khoa học. Công tác đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ, thường xuyên với yêu cầu sử dụng lao động và nhu cầu xã hội.

Việc đầu tư ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học đang theo xu hướng giảm trong những năm gần đây, nhiều cơ sở giáo dục đại học công lập không có đủ nguồn tài chính cần thiết để bù đắp chi phí đào tạo và tái đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo. Công tác xã hội hóa giáo dục chưa đạt được nhiều kết quả, nhất là ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Trong năm học 2024-2025, khối giáo dục đại học tiếp tục đẩy mạnh triển khai, hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Huy động mọi nguồn lực để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo và nghiên cứu trong toàn hệ thống. Chuẩn bị tốt các tiền đề cho giai đoạn phát triển mới của giáo dục đại học, thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực, ngành trọng điểm.

ĐỀ XUẤT SỚM CỤ THỂ HÓA KẾ HOẠCH TUYỂN SINH NĂM 2025

PGS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên nhìn nhận trong bối cảnh đầu tư cho giáo dục đại học còn ít ỏi, nhưng những gì đã làm được có nhiều kết quả tích cực. Về công tác tuyển sinh, kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã đủ độ tin cậy để các trường đại học xét tuyển, PGS.TS Phạm Hồng Quang cho rằng nên quan tâm đến đối tượng chính sách là người dân tộc thiểu số, có những chính sách riêng, đảm bảo công bằng trong tuyển sinh.

PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết năm 2022, trường đã thử nghiệm phương án tuyển sinh tổng hợp, bao gồm tất cả các tiêu chí.

Kết quả cho thấy, phương án tổng hợp này đã tạo ra sự thuận tiện, công bằng cho thí sinh và hiệu quả trong công tác xét tuyển. Nếu như trước đó, số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng vào trường là 8.500 thí sinh, thì năm nay, con số đã tăng lên 17.200 thí sinh. Hiệu quả của phương án xét tuyển đã giúp thu hút nhiều hơn số lượng thí sinh đăng ký vào trường.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: MOET.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: MOET.

Năm 2025, thí sinh sẽ thi tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, với các tổ hợp được thay đổi so với chương trình cũ, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT mong muốn Bộ Giáo dục Đào tạo sớm cụ thể hóa kế hoạch tuyển sinh năm 2025 để các trường chủ động trong công tác xét tuyển.

Liên quan đến 2 ngành học quan trọng là Y khoa và Sư phạm, theo TS Lê Trường Tùng, Bộ Giáo dục Đào tạo đã có ngưỡng điểm sàn đảm bảo chất lượng cho 2 ngành này. Tuy nhiên, cần làm sao nâng cao chất lượng đầu vào hơn nữa để đây thực sự là những ngành tinh hoa, vì đầu ra của 2 ngành này rất quan trọng đối với xã hội.

TS Lê Trường Tùng cũng đề xuất cần có chiến lược phát triển các cơ sở giáo dục đại học địa phương, đào tạo nhân lực tại chỗ, đóng góp cho sự phát triển của địa phương và của vùng. Đồng thời, với sự phát triển lớn mạnh của trí tuệ nhân tạo, các cơ sở giáo dục đại học cũng cần thay đổi cách thức quản lý, dạy học, để thích ứng và phát triển hiệu quả hơn.

CẦN TẬP TRUNG CHUYỂN TỪ SỐ LƯỢNG SANG CHẤT LƯỢNG

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết hệ thống giáo dục đại học mặc dù còn có nhiều khó khăn, thách thức nhưng đã tạo được sự chuyển biến rõ nét cả về số lượng và chất lượng, có năng lực thích ứng và tự đổi mới thành công trong giai đoạn vừa qua.

Thứ trưởng nhấn mạnh vấn đề cần lưu tâm trong thời gian tới, đó là các cơ sở giáo dục đại học tập trung chuyển từ “số lượng” sang “chất lượng”; bởi chỉ có duy trì và nâng cao chất lượng mới tiếp tục nâng cao được số lượng. 

Một số nhiệm vụ cụ thể được Thứ trưởng lưu ý thực hiện trong năm học tới. Đó là tập trung chuẩn bị quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn lãnh đạo chủ chốt trong thời gian tới. Tiếp tục đổi mới quản trị đại học và thực hiện nghiêm quy định của Luật giáo dục đại học.

 “Các trường đại học cần tạo điều kiện tối đa cho giảng viên bằng những giải pháp hỗ trợ cụ thể. Không chỉ là vấn đề thu hút, cạnh tranh trong nước, mà còn phải phát triển, thu hút người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc, đặc biệt trong những lĩnh vực mà đất nước cần, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm như trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao, công nghệ bán dẫn…”, Thứ trưởng nêu yêu cầu.

Về công tác tuyển sinh, Thứ trưởng đề nghị Vụ Giáo dục đại học khẩn trương phối hợp để sớm có dự thảo hướng dẫn theo hướng đơn giản hóa, đảm bảo chất lượng, cũng như công bằng cho thí sinh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate